Doanh nghiệp nước ngoài gia tăng hứng thú với khoáng sản Việt

Sau khi phê duyệt quy hoạch mới, sự quan tâm đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài vào khoáng sản Việt Nam đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực đất hiếm, tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp khai khoáng.

Việt Nam gần đây nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm.

Với tiềm năng khoáng sản phong phú, trong đó trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn đa quốc gia từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản...

Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu tháng này, Tập đoàn Posco đã đề xuất tham gia khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Công ty LX International cũng kiến nghị mở rộng hợp tác. Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản ổn định.

Không chỉ Hàn Quốc, Tập đoàn đất hiếm Trung Quốc (CREG) đã hai lần bày tỏ mong muốn đầu tư vào đất hiếm Việt Nam trong năm 2023 và 2024. Sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong khai thác đất hiếm.

Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Nishimura Yasutoshi cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc khảo sát, khai thác và chế biến đất hiếm.

Đất hiếm ngày càng quan trọng trong các ngành công nghệ cao. Ảnh minh họa: Công thông tin Bộ Công thương

Đất hiếm ngày càng quan trọng trong các ngành công nghệ cao. Ảnh minh họa: Công thông tin Bộ Công thương

Việt Nam hiện đã cấp giấy phép đầu tư FDI cho 108 dự án khai khoáng với tổng vốn đăng ký 4,9 tỷ USD. Ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam rất đa dạng, với nhiều loại khoáng sản chiến lược như bô-xít, titan, đất hiếm, sắt, chì, kẽm, niken...

"Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2023.

Đơn cử như đất hiếm, theo quy hoạch, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm phải có đủ năng lực và đầu tư vào các dự án chế biến phù hợp.

Sản phẩm từ các dự án này phải đạt tối thiểu tổng hàm lượng oxit đất hiếm (TREO) từ 95% trở lên, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO). Công nghệ sử dụng phải tiên tiến, thiết bị hiện đại và đảm bảo bảo vệ môi trường bền vững.

Giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành các đề án thăm dò tại mỏ Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe (Lai Châu) và đầu tư khai thác tại các mỏ Đông Pao (Lai Châu), Yên Phú (Yên Bái) và dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến tổng sản lượng khai thác đạt khoảng 2,02 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Giai đoạn 2031 - 2050, Việt Nam sẽ duy trì các dự án hiện có và mở rộng khai thác tại mỏ Đông Pao, đầu tư mới 3 - 4 dự án tại Lai Châu và Lào Cai, với sản lượng khai thác dự kiến khoảng 2,112 triệu tấn quặng nguyên khai/năm.

Về chế biến, giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Phú (Yên Bái) và đầu tư mới các dự án chế biến tại Lai Châu và Lào Cai.

Dự kiến sản lượng chế biến từ 20.000 - 60.000 tấn/năm cho các sản phẩm tổng hàm lượng oxit đất hiếm (TREO) và đất hiếm riêng rẽ (REO).

Giai đoạn 2031 - 2050, Việt Nam sẽ tập trung chế biến sâu các kim loại đất hiếm và đầu tư mới nhà máy luyện kim đất hiếm với tổng công suất từ 7.500 - 10.000 tấn/năm.

Mặc dù có trữ lượng lớn, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ phân tách đất hiếm và phần lớn xuất khẩu dưới dạng quặng thô. Tuy nhiên, với vị trí địa lý thuận lợi gần các thị trường lớn, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành khai thác khoáng sản.

Sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đã khiến các nhà sản xuất điện tử lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong xu thế phát triển mạnh của ngành công nghiệp bán dẫn, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đất hiếm nói riêng và khoáng sản nói chung.

Chính phủ đang chỉ đạo sát sao việc khai thác khoáng sản, đặc biệt là đất hiếm, đảm bảo không xuất khẩu đất hiếm thô mà tập trung vào công nghệ tuyển chọn và chế biến sâu.

Trong 5 năm qua, chỉ có hai dự án trong ngành khai khoáng được cấp giấy phép đầu tư mới cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, số dự án cấp mới thời gian tới dự kiến sẽ tăng cao.

Theo quy hoạch mới, Việt Nam cũng hướng tới hợp tác với đối tác nước ngoài có kinh nghiệm, nguồn vốn, thị trường từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến.

Tuy nhiên cũng hạn chế việc hợp tác, liên doanh, liên kết, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đối với dự án khai thác mỏ và tuyển khoáng sản.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-gia-tang-hung-thu-voi-khoang-san-viet-1721294702303.htm