Doanh nghiệp nước ngoài mong TP.HCM tạo được môi trường pháp lý tích cực hơn
Các nhà đầu tư quan tâm việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới…
UBND TP.HCM.
Tại hội nghị gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài năm 2022, do UBND TP.HCM tổ chức vào tối 20/5/2022, nhiều đại diện hiệp hội doanh nghiệp đã góp ý để thành phố tăng tốc phát triển sau đại dịch Covid-19.
KHU VỰC HẤP DẪN SẢN XUẤT GIÁ TRỊ CAO
Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM và khu vực kinh tế phía Nam, vẫn hấp dẫn đối với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao do vị trí địa lý gần với thị trường nguồn và thị trường tiêu dùng, bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp Hội doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham), cho biết.
Theo đó, các hội viên của AmCham mong muốn phát triển thêm trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam bằng việc tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất vừa và nhỏ ở địa phương, bao gồm thông qua chuyển đổi số và các chương trình nâng cao năng lực, hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số và nền kinh tế không tiền mặt.
Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành AmCham: “AmCham ủng hộ các kế hoạch của TP.HCM nhằm củng cố thị trường tài chính và phát triển TP.HCM thành Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế”.
“Vấn đề mà TP.HCM cần chú trọng là đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực hơn, không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn tăng trưởng đầu tư hiện có. Các nhà đầu tư quan tâm việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới”, bà Mary Tarnowka đề cập.
Về phía Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, nhận thấy những cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số, hạ tầng giao thông.
“TP.HCM xem xét việc sử dụng chữ ký số cho tất cả các văn bản hành chính, các quy trình. Vì thực tế hiện nay, tại doanh nghiệp không phải tất cả các quy trình đều được phép sử dụng chữ ký số, trong khi chữ ký số có cùng giá trị pháp lý trong việc ký kết các văn bản liên quan đến chứng từ hải quan xuất nhập khẩu”, ông Jean Jacques Bouflet kiến nghị.
Ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện văn phòng JETRO, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, tin tưởng TP.HCM đang và sẽ là tâm điểm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Vì theo khảo sát của JETRO gần đây, điểm hấp dẫn nhất trong môi trường đầu tư của Việt Nam là tiềm năng tăng trưởng kinh tế và quy mô thị trường.
Hội nghị gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài năm 2022
Còn các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn TP.HCM nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầng cao hơn.
Ông Shon Young IL, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KoCham), cho rằng có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành hệ thống giao thay vì hệ thống giao thông thống nhất; mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Một vấn đề khác mà các nhà đầu tư Hàn Quốc tại TP.HCM quan tâm là sự tăng trưởng của các công ty sản xuất linh kiện tại thành phố và khu vực phía Nam. Nếu thành phố có chính sách nuôi dưỡng ngành sản xuất linh kiện tích cực hơn nữa thì hiệu quả kinh tế sẽ nhanh chóng được thực hiện.
Ông Shon Young IL cũng cho biết thêm, để khôi phục lại sự đa dạng và năng động, TP.HCM bên cạnh việc tăng cường giao lưu nhân dân, vấn đề thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa, vốn là trung tâm của ngành công nghiệp thứ 4, cũng cần được xem xét.
CAM KẾT ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thông tin tới các doanh nghiệp nước ngoài về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, thành phố đang có 197 dự án mời gọi đầu tư, trong đó, mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Các biện pháp cải cách hành chính cũng được TP.HCM thực hiện mạnh mẽ với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá cụ thể về chỉ số cải cách hành chính, quản trị dịch vụ công.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng tiếp tục thực hiện cam kết việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cụ thể, thời gian cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày”, ông Tuấn nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: "Từ tháng 6/2022, TP.HCM sẽ triển khai nền tảng số để kết nối cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện gặp gỡ trao đổi thường xuyên hơn, giải quyết kịp thời những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp".
Đánh giá cao vai trò sự đóng góp của doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết năm 2021 là năm khó khăn do dịch bệnh, nhưng qua đó cảm nhận sâu sắc hơn sự chia sẻ đồng hành của doanh nghiệp nước ngoài, cũng như sự hiến kế đồng hành đối với thành phố.
Ông Mãi khẳng định, thành phố sẽ duy trì tổ chức gặp gỡ thường xuyên với doanh nghiệp nước ngoài để lắng nghe góp ý cho định hướng phát triển thành phố, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh.
TP.HCM mong muốn qua buổi gặp gỡ sẽ tăng cường kết nối TP.HCM với các quốc gia, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.
Ông Mãi thông tin thêm, dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ cơ bản hoàn thành quy hoạch chung TP. Thủ Đức. Đến cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2022, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP.Thủ Đức.