Doanh nghiệp phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đối với dịch Corona
Khủng hoảng kỳ này do dịch Corona có thể sẽ có ảnh hưởng xấu lớn hơn cả khủng hoảng tài chính toàn cầu 10 năm trước xuất phát từ Mỹ.
Dịch Corona ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và hoạt động doanh nghiệp, từ tập đoàn lớn đến cả những người buôn gánh bán bưng.
Mỗi doanh nghiệp, ngành nghề, quy mô đều khác, góc độ đánh giá thiệt hại thế nào? Ứng phó ra sao? Con số nào minh chứng cho chuyện này? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà chưa thể có câu trả lời chính xác được. Vì nếu dịch tiếp tục xảy ra trong 1 tháng thì khác, 3 tháng thì rủi ro cực kỳ lớn.
Mọi khủng hoảng đều tập trung vào dòng tiền, khủng hoảng làm dòng thu giảm đột suất trong khi chi chưa kịp điều chỉnh làm mất cân đối thu chi. Chảy máu mà không cầm máu kịp thời sẽ đột quỵ! Khủng hoảng lan tỏa thế nào thì ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, nhưng khi đứng trước khủng hoảng, chúng ta nên lạc quan, hy vọng điều ít xấu nhất, nhưng phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Dưới góc nhìn kinh tế, đầu tiên phải xem hệ quả kinh tế của khủng hoảng này như thế nào. Có một cách là so sánh với các cuộc khủng hoảng đã xảy ra trước đây. Ví dụ cuộc khủng hoảng kinh tế 20 năm trước khởi nguồn từ Thái Lan, là một nước nhỏ nhưng cũng đã làm điên đảo thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính 10 năm trước bắt đầu từ Mỹ, 7-10 năm sau nước Mỹ mới phục hồi, dù Mỹ đã xác định và khắc phục nhanh chóng.
Cuộc khủng hoảng lần này bắt nguồn từ Trung Quốc, chỉ trong 3 tuần qua đã lan tỏa rộng và sâu hơn nhiều khắp thế giới. Trung Quốc bây giờ đã chiếm 1/6 kinh tế toàn cầu. Trước đây khủng hoảng xuất phát từ Mỹ, Việt Nam chưa hội nhập nhiều với thế giới bên ngoài, ảnh hưởng giới hạn. Giờ khủng hoảng bắt nguồn ngay trước mặt nhà mình, ập xuống mình nhanh nhất.
Nếu Trung Quốc kiểm soát được dịch trong 1 tháng tới thì kinh tế thế giới cũng bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn sẽ trong vòng kiểm soát được, còn nếu kéo dài thì không biết sẽ trầm trọng đến mức nào, chưa định lượng được.
Mỹ đang nhập 10% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Con số này chưa nói lên hết vấn đề vì 10% đó có thể ảnh hưởng tới 50-70% sản xuất, bởi vì chiếc xe hơi thiếu con ốc con vít cũng không ra được thành phẩm; chiếc giày, chiếc áo thiếu dây kéo, hột nút cũng không hoàn thiện được.
40% các tỉnh thành tập trung sản xuất lớn của Trung Quốc đang đóng cửa. Những thương hiệu lớn toàn cầu ở Trung Quốc như Nike, Starbucks, Apple cũng đóng cửa nhiều cửa hàng. Chuỗi cung ứng có vấn đề trầm trọng, may mặc của Việt Nam thiếu mấy hột nút, dây kéo cũng bị dừng lại.
Trước tình hình cấp thiết này, tùy từng doanh nghiệp, từng địa phương, phải có biện pháp ứng phó lập tức khác nhau. Quan trọng nhất là phải dựa vào các hiệp hội. Hiệp hội sẽ tác động ngay lập tức đến Chính phủ, để có chính sách ưu đãi tín dụng, giảm nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp. Hiệp hội đóng vai trò lớn giúp các thành viên đánh giá ảnh hưởng, chủ động mời tư vấn tập trung vào ngành nghề cụ thể chứ không tư vấn chung chung.
Với doanh nghiệp, những việc cơ bản phải làm ngay, giống như một gia đình, khi thu nhập giảm, phải cắt giảm chi phí, Đặc biệt là phải tái cơ cấu lại các định phí để giảm thiểu đến mức tối đa. Vốn lưu động cực kỳ quan trọng, nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng để khoanh nợ, giãn nợ. Hiện Trung Quốc nhiều doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ trước để bảo toàn doanh nghiệp, rủi ro rất lớn cho các đối tác làm ăn chung với họ.
Nhiều doanh nghiệp thời gian qua phát triển quá nóng, đây là cơ hội để kiểm soát lại dòng tiền, khắc phục tình trạng quá lệ thuộc vào Trung Quốc, khi bỏ tất cả trứng vào một rổ sẽ rủi ro thế nào.
Vẫn biết thị trường Trung Quốc có đủ mặt hàng, giá lại tương đối rẻ so với nguồn khác, cũng là đầu ra dễ dàng, khách hàng quen thuộc nên đỡ chi phí. Đây cũng là bài học để doanh nghiệp đa dạng hóa đầu vào và đầu ra.
Doanh nghiệp phần lớn chưa tái cấu trúc vì thiếu thông tin. Để có thông tin phải có bộ phận nghiên cứu, nhưng điều này đa số doanh nghiệp ít quan tâm. Nghiên cứu hiểu giản đơn là biết được cách nào làm tốt hơn cách mình đang làm, có ai trên thế giới đang làm tốt hơn, để đừng lọt vào bẫy lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác trong làm ăn.
Vai trò của các hiệp hội là phải thuyết phục thành viên của mình trong chuyện đầu tư nghiên cứu thông tin thị trường, nghiên cứu biện pháp ngăn ngừa rủi ro trong kinh doanh và xử lý khủng hoảng. Ngay cả doanh nghiệp lớn cũng ít quan tâm đến chuyện này, đó là vai trò của hiệp hội.
Tổ chức nghiên cứu, tư vấn không cần bộ phận to lớn, chỉ cần có khung sườn, từ đó sử dụng dịch vụ bên ngoài, tìm kiếm những người có trình độ chuyên môn cao, có khả năng đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Nếu tự doanh nghiệp bỏ chi phí thì lớn quá, chia ra cho nhiều thành viên vì cùng chung sản phẩm sẽ nhẹ nhàng hơn.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Trần Sĩ Chương - Chuyên gia kinh tế