Doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ năm 2024

Từ năm 2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu pin, ắc quy, dầu nhớt, săm lốp và bao bì phải thực hiện tái chế bắt buộc đối với sản phẩm của mình sau khi người tiêu dùng thải bỏ. Theo các chuyên gia, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á thực hiện chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và thực thi trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất bằng những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể chứ không chỉ là khuyến khích, định hướng.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 7 triệu xe ô tô và 50 triệu xe máy. Tương đương khoảng 600 nghìn tấn săm lốp cao su bị thải bỏ mỗi năm. Trong khi, số lượng các nhà tái chế được cơ quan quản lý cấp phép lại khá ít ỏi. Quy định doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa có hiệu lực được cho là cơ hội lớn giúp ngành tái chế Việt Nam phát triển hơn thời gian tới.

Tỉ lệ tái chế bắt buộc cho 3 năm đầu tiên đối với ngành săm lốp là 5%, ắc quy là 8%-12%, nhóm bao bì tùy từng loại từ 10%-22%. Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương thức là: tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam

Nhằm đón đầu quy định thực thi EPR, một số DN đã tham gia vào liên minh tái chế bao bì PRO Việt Nam; thực hiện kê khai minh bạch khối lượng bao bì cần tái chế mỗi năm.

Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tự kê khai và lựa chọn hình thức thực hiện tái chế trên Cổng thông tin EPR quốc gia.

Hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa biết rõ về trách nhiệm tái chế của mình. Cơ quan chức năng cần giám sát và đánh giá liên tục để có thể điều chỉnh kịp thời, tăng cơ hội thành công trong việc thực thi quy định EPR.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Hà Giang - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/doanh-nghiep-phai-thuc-hien-trach-nhiem-tai-che-tu-nam-2024-206665.htm