Doanh nghiệp phản đối bổ sung vi chất dinh dưỡng vào muối, bột mì: Các nhà khoa học nói gì?
Việt Nam nằm trong Top 19 thế giới về thiếu vitamin A và Top 26 về thiếu I-ốt. Nhưng các doanh nghiệp lại phản đối việc đưa các vi chất dinh dưỡng này vào thực phẩm chế biến.
Vì sao doanh nghiệp phản đối bổ sung vi chất dinh dưỡng?
Tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như vitamin A, sắt, kẽm và I-ốt ở Việt Nam rất nghiêm trọng nên năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (gọi tắt là Nghị định 09).
Tuy nhiên, theo bà Đinh Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - trong quá trình thực hiện Nghị định số 09, các doanh nghiệp liên tục có các kiến nghị trì hoãn việc thực hiện Nghị định, đề nghị chỉ khuyến khích áp dụng việc tăng cường vi chất. Điều này là do Nghị định số 09 phần nào làm gia tăng chi phí sản xuất, các yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp còn có ý kiến rằng việc sử dụng muối tăng cường I-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc làm người đã đủ I-ốt bị cường giáp.
Trước những ý kiến của doanh nghiệp, năm 2018, Chính phủ ra Nghị quyết 19-2018/NĐ-CP yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện Nghị định số 09, mặc dù Nghị quyết 19 mới chỉ giao Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09, đồng thời, Nghị định số 09 vẫn còn hiệu lực toàn bộ.
Mới đây, một số doanh nghiệp tiếp tục đề nghị Bộ Y tế sửa đổi Nghị định 09, theo hướng bãi bỏ quy định tăng cường I-ốt muối dùng trong muối dùng và trong chế biến thực phẩm và tăng cường sắt và kẽm vào bột mì trong chế biến thực phẩm.
Vì thế, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09, để có thể yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 09, hay bãi bỏ các quy định trên nếu đủ căn cứ khoa học.
Tại cuộc họp chiều 4/9 với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện (BV) Nội tiết Trung ương, đại diện WHO, UNICEF vv…, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Sau 8 năm thực hiện Nghị định 09, kết quả hiện nay ra sao cần được làm rõ bằng các luận chứng khoa học.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trong ngành và WHO, UNICEF thông tin về tình hình thiếu vi chất dinh dưỡng (kẽm, I-ốt, sắt, vitamin A) của Việt Nam với những đánh giá khoa học gần nhất.
Về kiến nghị việc sử dụng muối tăng cường I-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng trong thực hiện Nghị định số 09, bà Đinh Thu Thủy cho biết: Từ năm 2017, Bộ Y tế đã có công văn trả lời: “Bộ Y tế chủ động tiếp nhận, hoan nghênh mọi thông tin, phản ánh của doanh nghiệp kèm theo các bằng chứng khoa học để có phương giải quyết kịp thời theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết nếu sản phẩm thực phẩm có sử dụng muối tăng cường I ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng”. Tuy nhiên 8 năm nay, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường I-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Như vậy, các kiến nghị không chính xác, không có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó trở thành cản trở, dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09 và trong 8 năm đó, Việt Nam hầu như không có sự cải thiện về sức khỏe của người dân về các vi chất dinh dưỡng: I-ốt, sắt, kẽm” - Bà Thủy khẳng định.
Việt Nam nằm Top 26 thế giới về thiếu I-ốt
Thông tin về tình trạng thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng Việt Nam hiện nay, đại diện Viện Dinh dưỡng Quốc gia dẫn chứng: Kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy ở tất cả các nhóm đối tượng, mức trung vị I-ốt niệu (phản ánh tiêu thụ I- ốt từ khẩu phần) còn thấp so với khuyến cáo của WHO, nhất là ở phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú, nhóm trẻ em 5-9 tuổi. Tỷ lệ hộ gia đình dùng muối I-ốt còn thấp.
Nghiên cứu của BV Nội tiết Trung ương cũng chỉ ra: Tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi còn cao, tới 9,8%, gấp gần 2 lần so với khuyến nghị của WHO (<5%) và cao gần gấp 3 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt.
Kết quả nghiên cứu cũng khẳng định người dân Việt Nam vẫn chưa đạt đủ lượng I-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị của WHO. Do đó, cần tiếp tục thực hiện tăng cường I-ốt đối với các loại muối dùng trong gia đình và chế biến thực phẩm như khuyến nghị của WHO.
Ông Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc BV Nội tiết Trung ương - khẳng định Việt Nam bị Mạng lưới toàn cầu về I-ốt đánh giá là một trong 26 quốc gia có tình trạng thiếu I-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Sau khi thực hiện Nghị định 09, tình hình đã được cải thiện nhưng những năm gần đây lại bị thấp.
Về ý kiến cho rằng, “bắt tất cả những người đủ hoặc thừa vi chất phải ăn thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ gây cường giáp”, lãnh đạo BV Nội tiết Trung ương phản bác: “Chưa bao giờ Việt Nam thừa Iot, mà thiếu iot nặng cũng gây ra bệnh cường giáp. Cũng chưa có y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối I-ốt toàn dân dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp. Ngược lại, việc sử dụng muối I-ốt giảm tỷ lệ mắc bướu cổ, suy giáp và các vấn đề về nhận thức ở trẻ em”.
Ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế - lưu ý: Khi ban hành Nghị định 09, Bộ Y tế đã đánh giá tác động về sức khỏe, kinh tế -xã hội và các bộ, ngành đã thống nhất. Tuy nhiên, Nghị định lại không được thực hiện, nên tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng còn thấp hơn trước. Đặc biệt, không doanh nghiệp phản bác Nghị định 09 nào đưa ra được bằng chứng khoa học về việc cho vi chất dinh dưỡng vào sẽ làm thay đổi thực phẩm chế biến như họ nói.
Ông Quang cũng đề nghị Viện Dinh dưỡng và BV Nội tiết Trung ương tiếp tục đưa ra các bằng chứng khoa học để chứng minh cho việc Việt Nam vẫn còn thiếu vi chất dinh dưỡng và điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Các tổ chức quốc tế ủng hộ Bộ Y tế
Bác sĩ Thu Nga (chuyên gia dinh dưỡng của WHO tại Việt Nam) công bố các nghiên cứu khoa học cho thấy ở Việt Nam, phụ nữ có thai và trẻ đều thiếu I-ốt trầm trọng. Đến ngày 4/9, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách 26 nước thiếu I-ốt nhất thế giới.
Cũng theo bà Nga, việc tăng cường I-ốt t vào muối có 21 quốc gia quy định để doanh nghiệp tự nguyện, 126 quốc gia quy định bắt buộc phải tăng cường, trong đó 114 quốc gia yêu cầu sử dụng I-ốt vào muối ăn và muối dùng trong chế biến thực phẩm. Việc tăng cường vi chất như sắt, kẽm, axit folic vào bột mì có 13 quốc gia khuyến khích và 92 quốc gia bắt buộc.
Trong khối ASEAN, có 8 nước bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối ăn và muối dùng chế biến thực phẩm, gồm: Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia, Malaysia và Phillipin; chỉ có Singapore và Brunei áp dụng chính sách khuyến khích.
Ông Nguyễn Đình Quang (chuyên gia dinh dưỡng UNICEF) cho biết Hội đồng khoa học công cộng đã khẳng định không có nguy cơ thừa I-ốt gây cường tuyến giáp. Vì thế, mong Bộ Y tế sẽ là “cánh cửa” quan trọng để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Tổ chức HealthBridge Canada cũng cung cấp thêm nhiều bằng chứng để Bộ Y tế giữ nguyên quy định bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối; sắt, kẽm vào bột mì.
Các bằng chứng khoa học được đưa ra tại hội nghị đều ủng hộ khuyến nghị mở rộng sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm, nhằm giảm tỷ lệ mắc các rối loạn do thiếu hụt i-ốt.
Các đại biểu cũng chỉ ra bài học kinh nghiệm nếu Chính phủ không kiên trì chính sách bắt buộc “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” thì Việt Nam vẫn luôn là một nước thiếu I-ốt nghiêm trọng và trẻ em 8-10 tuổi vẫn bị bướu cổ ở tỷ lệ cao.
Đại diện Viện dinh dưỡng Quốc gia còn cho biết thêm: Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 cho thấy tình trạng thiếu vitamin A ở Việt Nam rất cao, nên hiện bị WHO xếp vào danh sách 19 nước thiếu vitamin A mức độ nặng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai cũng cao: Ở phụ nữ có thai là 63,6%, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ là 44,3%, và trẻ em là 58,3%, . Trong đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm cao nhất ở miền núi phía Bắc chiếm 67,7% và Tây Nguyên chiếm 66,6%. Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai rất cao ở miền núi phía Bắc, tới 81,9%.
Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh: Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi Nghị định 09 dựa trên các nghiên cứu khoa học, đánh giá của WHO đối với Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu như Viện dinh dưỡng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Viện chính sách với số liệu nghiên cứu trong vòng 5 năm, theo khuyến cáo của WHO.
“Các ý kiến của các nhà nghiên cứu, các luận giải khoa học, đánh giá tác động về vi chất dinh dưỡng bao gồm cả I-ốt, sắt, kẽm và Vitamin sẽ là cơ sở để Bộ Y tế đối thoại với doanh nghiệp khi xây dựng Nghị định 09 sửa đổi” - Thứ trưởng Tuyên cho hay.
4 vi chất dinh dưỡng I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A đang bị thiếu hụt một cách đáng báo động ở Việt Nam, cần phải có can thiệp để giải quyết vấn đề này.
Thiếu hụt I-ốt là nguyên nhân chính dẫn đến đần độn ở trẻ em, bướu cổ sơ sinh, gây đẻ non, thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ.
Thiếu sắt gây thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, phát triển thai nhi kém, suy yếu phát triển nhận thức, vận động ở trẻ em.
Thiếu kẽm làm tăng tỷ lệ mắc tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và tử vong trẻ em.
Thiếu vitamin A gây ra bệnh khô mắt, dẫn đến mù lòa...