Doanh nghiệp quan tâm về hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 98
Sáng 24-11, Sở KH-ĐT TPHCM và Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) phối hợp tổ chức Hội thảo phổ biến quy định pháp luật về đầu tư và chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc HFIC trình bày về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM. Nội dung được nhiều doanh nghiệp, đơn vị quan tâm đặt câu hỏi trao đổi.
Làm rõ các nội dung doanh nghiệp quan tâm, ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, mức vốn vay với một dự án là không hạn chế. Chẳng hạn, một bệnh viện có dự án với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, dự kiến vay 900 tỷ đồng. TP sẽ hỗ trợ khoản vay 200 tỷ đồng với lãi suất 0%, số còn lại bên vay tự trả lãi thông thường.
Liên quan thời hạn vay, lãnh đạo HFIC cho biết, các công trình hạ tầng thường không thể hoàn vốn trong 7 năm mà thời gian có thể dài hơn. Do đó, thời gian cho vay của HFIC là tối đa 15 năm, thông thường 12 năm. Trong trường hợp áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất, nếu doanh nghiệp vay 12 năm thì 5 năm cuối sẽ tự trả lãi.
“Vậy những năm cuối hết được ưu đãi thì doanh nghiệp có chịu nổi lãi suất hay không?”, trả lời câu hỏi này, lãnh đạo HFIC cho biết, những năm cuối, dư nợ giảm dần, số tiền phải trả cũng không nhiều như lúc đầu. Ví dụ vay 100 tỷ đồng, mỗi năm trả 10 tỷ thì sau 7 năm còn lại 30 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi về thời gian khấu hao máy móc thiết bị dài hơn thời gian hỗ trợ lãi suất; về việc rút tài sản bảo đảm ở ngân hàng ra để đảm bảo khoản vay hỗ trợ lãi suất… Đại diện một trường đại học có 3 cơ sở ở TPHCM, chuẩn bị xây dựng cơ sở tại Đồng Nai, đặt vấn đề dự án ở địa phận tỉnh khác có được tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của TPHCM hay không.
Ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, TPHCM rất quan tâm giáo dục, y tế, mong muốn hỗ trợ tất cả các dự án có tính liên kết vùng. Nhưng, hiện nay việc này mới đang được xem xét, còn hiện tại chưa thể tham gia.
Bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng Giám đốc HFIC cho biết, khi có các nội dung vướng mắc cụ thể cần hướng dẫn, HFIC sẽ tư vấn, giải đáp cụ thể dựa trên từng hồ sơ.
Tại hội nghị, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – Bộ KH-ĐT cũng trình bày quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và việc áp dụng trong thực tế. Bà giới thiệu khung pháp lý về PPP, nêu các ví dụ cụ thể về đầu tư PPP một sân bay, một dự án đường bộ, một bệnh viện… và nêu các giải pháp thúc đẩy PPP.
Theo bà, đầu tư theo phương thức PPP có thể giải quyết nhu cầu lớn, khi khu vực tư nhân tham gia đầy đủ các khâu thu xếp vốn, xây dựng, cung cấp dịch vụ, còn TPHCM xác định các dự án ưu tiên. Cần phát huy sáng tạo thông qua nghiên cứu kỹ lưỡng dự án và đưa ra nhiều giải pháp cho một đề bài…