Doanh nghiệp quốc tế mong giảm chi phí, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính

Đa số đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều bày tỏ lo ngại, một số luật và quy định pháp lý được ban hành gần đây có thể tiếp tục đưa tới những thủ tục hành chính mới như cấp phép, phê duyệt và các yêu cầu báo cáo cồng kềnh... gây khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp.

Hệ thống tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương). Ảnh (tư liệu) minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Hệ thống tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính một cửa của Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương). Ảnh (tư liệu) minh họa: Minh Hưng/TTXVN

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường pháp lý và đầu tư kinh doanh giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, tuy nhiên, tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2023) vừa tổ chức mới đây ở Hà Nội, đa số đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều bày tỏ lo ngại, một số luật và quy định pháp lý được ban hành gần đây có thể tiếp tục đưa tới những thủ tục hành chính mới như cấp phép, phê duyệt và các yêu cầu báo cáo cồng kềnh... gây khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian của doanh nghiệp.

Ông Trần Anh Đức, Đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực cải thiện thủ tục liên quan đầu tư, đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định phức tạp, đòi hỏi hồ sơ phải có bản giấy trong khi các doanh nghiệp hiện nay hầu hết đều đã chuyển sang làm trực tuyến.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm khảo sát ghi nhận rằng, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp trong lĩnh vực như kinh doanh bán lẻ; trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn; trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Ngoài ra, cũng có nhiều văn bản pháp lý có quy định chồng chéo gây khó khăn và kéo dài.

Cũng theo đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, các quy định về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản không hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến cách hiểu và giải thích chung. Đó là khi có bất kỳ hình thức hay mức độ đầu tư nước ngoài nào, doanh nghiệp sẽ được coi là có vốn đầu tư nước ngoài và đối mặt với các hạn chế của quy định về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường thiết lập nhiều tầng sở hữu để cố gắng giảm thiểu sự không chắc chắn này.

Cũng liên quan đến các thủ tục hành chính, ông Seck Yee Chung, Đại diện nhóm Công tác kinh tế số khuyến nghị Việt Nam có cải cách mạnh mẽ hơn bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đã được ban hành, loại bỏ các hình thức về bản chất là giấy phép như yêu cầu đăng ký hay các yêu cầu báo cáo trong tất cả các quy định hiện hành và trong tương lai để áp dụng cho những ngành có ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông và dịch vụ kỹ thuật số.

Thủ tục hành chính và Số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu cũng là nội dung rất nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài quan tâm. Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho hay, AmCham mong muốn Việt Nam có khung khổ pháp lý đầy đủ và thuận lợi để phát triển nền kinh tế số; cũng như để tiếp cận với dịch vụ số hóa toàn cầu. Bảo vệ dữ liệu rất quan trọng để bảo đảm được tính cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng số, điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu.

“Một số thủ tục hiện nay còn vướng mắc về thiết bị kỹ thuật số vẫn là rào cản và chúng tôi rất muốn có được sự đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu cũng như những chứng chỉ cần thiết từ những quốc gia đáng tin cậy”, Chủ tịch AmCham cho biết.

Trong lĩnh vực y tế và dược phẩm, AmCham hoan nghênh Quốc hội thông qua Nghị quyết 80/2023/QH15 ban hành ngày 9/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024. Theo đó, cho phép tự động gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với các loại thuốc và vaccine hết hạn. Hay như Quyết định 62/QĐ-QLD của Bộ Y tế công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định của Nghị quyết 80, đã giúp giảm thiểu sự gián đoạn trong việc cung cấp các loại thuốc và thiết bị y tế quan trọng.

Tuy nhiên, thủ tục để cấp phép lưu hành thuốc vẫn còn là một trở ngại. AmCham khuyến nghị cần thực hiện giải pháp bền vững hơn, bao gồm sửa đổi Luật Dược, dỡ bỏ các hạn chế về lưu kho và vận chuyển đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từng bước mở cửa phân phối thuốc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để tăng khả năng tiếp cận nguồn cung ứng thuốc, loại bỏ các yêu cầu đặc thù của quốc gia để hài hòa quy trình của Việt Nam với các tiêu chuẩn khu vực và toàn cầu.

Không chỉ vấn đề y tế, ông Greg Testerman cũng đề cập tới yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Quy định này vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài nên AmCham thực sự mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tạo thuận lợi nhiều hơn để doanh nghiệp thành viên được đảm bảo về nguồn nhân lực.

Cùng với AmCham, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Gabor Fluit cũng trình bày tại diễn đàn mối lo ngại về tình hình lao động.

Trong những năm qua, EuroCham là một trong những đối tác quan trọng, đáng tin cậy nhất của Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại hai chiều. Đến nay, Hiệp hội đã có 1.300 thành viên và 9 hiệp hội doanh nghiệp quốc gia thành viên. Đối với mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, EuroCham là một trong những đối tác ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam tích cực nhất.

“Để theo đuổi việc thực hiện đầy đủ sứ mệnh của mình, EuroCham đã cùng làm việc để xác định các lĩnh vực cần có tiến bộ mạnh mẽ, chia sẻ công nghệ tiên tiến của châu Âu và thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao”, ông Gabor Fluit chia sẻ. Ông hi vọng những khuyến nghị chính sách của các doanh nghiệp châu Âu có thể giúp Việt Nam “mở đường hướng tới sự thịnh vượng xanh và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, đồng thời tận dụng đầy đủ các lợi ích của EVFTA và đẩy nhanh việc phê chuẩn EVIPA của tất cả các quốc gia thành viên EU”.

Tuy nhiên, có một vấn đề hiện nay là có những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động mà lại đang bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục. Để khai thác hoàn toàn tiềm năng của lực lượng lao động đa dạng và tài năng, Việt Nam cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Luật Lao động và Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 30/12/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Không chỉ về lao động, EuroCham còn đặt vấn đề về thuế. Để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT), vốn là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh, ông Fluit cho rằng, trong thời gian tới, EuroCham đề xuất Việt Nam tăng cường việc khuyến khích đầu tư bằng các biện pháp miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Hay như về thuế tiêu thụ đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh; đồng thời miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và đối với phương tiện giao thông thải ra ít carbon như xe điện...

Ngọc Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/doanh-nghiep-quoc-te-mong-giam-chi-phi-tao-thuan-loi-ve-thu-tuc-hanh-chinh-20230320171224927.htm