Doanh nghiệp ráo riết tái cơ cấu danh mục đầu tư
Phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện ít nhất hai lần thoái vốn trong 18 tháng tới.
Các yếu tố chính từ bên ngoài thúc đẩy nhu cầu tái cơ cấu danh mục đầu tư bao gồm xu hướng căng thẳng địa chính trị gây ra sự xáo trộn của các thị trường, chuỗi cung ứng và đối tác thương mại; quy định về hiệu quả sử dụng vốn (Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể là phần còn lại của châu Á) yêu cầu các công ty công bố các mức lợi nhuận đầu tư vốn dưới ngưỡng tiêu chuẩn.
Cùng với đó, sự trỗi dậy của nhà đầu tư chủ động ở châu Á tạo áp lực lên các công ty trong việc xử lý các tài sản hoạt động kém hiệu quả và thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không phải cốt lõi.
Các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và hành trình tới phát thải ròng bằng 0 (net zero) khiến các Hội đồng quản trị (HĐQT) và nhà lãnh đạo thực hiện các giao dịch và thoái vốn để chuyển đổi sang “danh mục đầu tư xanh”.
Không chỉ vậy, vai trò ngày càng tăng của các quỹ đầu tư tư nhân với tư cách là nhà đầu tư và đối tác tiềm năng trong các lựa chọn tối ưu hóa danh mục tài sản cũng thúc đẩy xu hướng này.
Thông tin này được Deloitte châu Á – Thái Bình Dương đưa ra trong báo cáo mới nhất.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy, việc quản lý danh mục đầu tư chủ động đang trở thành yếu tố then chốt trong cách các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và HĐQT ứng phó với các tác động bên ngoài.
Bà Jiak See NG, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn chiến lược, rủi ro và giao dịch của Deloitte châu Á – Thái Bình Dương, nhận định, các yếu tố định hình lại nền kinh tế toàn cầu đang tác động sâu sắc đến các công ty trên khắp châu Á - Thái Bình Dương.
Bất kể đó là căng thẳng địa chính trị, sự bắt buộc về phát triển bền vững hay áp lực từ nhà đầu tư, các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu danh mục đầu tư để duy trì năng lực cạnh tranh và sẵn sàng thoái vốn.
Tổ chức nhấn mạnh sự cần thiết của một quy trình đánh giá danh mục đầu tư linh động hơn, phù hợp với tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp với mục tiêu tăng trưởng dài hạn và tạo ra giá trị.
5 bước quan trọng doanh nghiệp nên thực hành
Trong số những người được khảo sát, có tới gần 80% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện ít nhất hai đợt thoái vốn trong 18 tháng tới.
Điều thú vị là có tới 95% đã từng từ bỏ một thương vụ bán trong 12 tháng qua, cho thấy doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn nữa để sẵn sàng thoái vốn.
Ông David Hill, CEO của Deloitte châu Á – Thái Bình Dương, cho biết, trong thời đại công nghệ phát triển theo cấp số nhân và tập trung cao độ vào ESG, việc quản lý danh mục đầu tư chủ động sẽ là một trong những chìa khóa dẫn đến thành công của công ty.
“Chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều hoạt động mua lại và thoái vốn được thúc đẩy bởi mong muốn đẩy nhanh hành trình khử carbon và/hoặc sở hữu các công nghệ tiên tiến, biến M&A trở thành động lực thúc đẩy mục đích cũng như mục tiêu lợi nhuận”, ông nhận định.
Các doanh nghiệp được khuyến khích cần áp dụng tư duy “luôn sẵn sàng” trong việc đánh giá danh mục đầu tư, dành nguồn lực và giám sát ở cấp HĐQT để điều chỉnh tài sản phù hợp với định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, đánh giá danh mục đầu tư dựa trên mức độ phù hợp chiến lược, tiềm năng tạo ra giá trị và khả năng phục hồi của chúng. Các công ty nên áp dụng đánh giá “danh mục đầu tư có lợi thế” theo ba hướng này một cách thường xuyên và toàn diện.
Ngoài ra, cần tối đa hóa giá trị những tài sản không phù hợp bằng cách xây dựng một câu chuyện hấp dẫn và có các bằng chứng; tích hợp ESG thành yếu tố trọng tâm của việc đánh giá và tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Doanh nghiệp cũng cần xem xét cẩn thận các tác động và cơ hội về thuế trong các giao dịch tái cơ cấu danh mục đầu tư trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương.