Doanh nghiệp sản xuất thay đổi theo yêu cầu xanh để tồn tại

Hiện có nhiều nhà máy tại Việt Nam sản xuất xanh để hưởng ứng cam kết quốc tế của Chính phủ đưa phát thải khí nhà kính về bằng không vào năm 2050. Song, cũng có nhiều doanh nghiệp buộc phải thay đổi sản xuất, sản phẩm xanh vì yêu cầu của thị trường để tồn tại và phát triển.

An Phát sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường. Ảnh: DNCC

An Phát sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học thân thiện với môi trường. Ảnh: DNCC

Tự thay đổi theo xu hướng

Là một tập đoàn nhựa với hơn 20 năm hoạt động, An Phát Holdings đã tự định hướng thay đổi sản phẩm sản xuất từ vài năm nay khi xu hướng sống xanh đã diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Bởi sản phẩm nhựa của tập đoàn này sản xuất phần lớn để xuất khẩu.

An Phát Holdings đã bắt đầu sản xuất sản phẩm nhựa phân hủy sinh học vào năm 2018 sau khi nhiều nước trên thế giới đưa ra quy định cấm hoặc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (không phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường).

Cụ thể Pháp đã đưa ra quy định cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần vào năm 2017. Tại Mỹ và Canada, có bang cấm hoàn toàn và nhiều bang thì đưa ra lộ trình về việc không sử dụng loại túi nhựa không phân hủy. Tại Ấn Độ, một số thành phố đã cấm túi nhựa dùng một lần trong giai đoạn 2018-2019, dự kiến nền kinh tế tỉ dân này sẽ cấm túi nhựa trên phạm vi toàn quốc trong tương lai. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Úc… sử dụng chính sách thuế đánh vào từng loại sản phẩm nhựa, để điều tiết hành vi của doanh nghiệp cũng như tiêu dùng của người dân.

Tại Việt Nam, để bảo vệ môi trường, Chính phủ khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần (túi nylon, ống hút…), khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường…

Từ thực tế trên, An Phát Holdings nhận ra sự thiếu hụt sản phẩm túi nhựa phân hủy sinh học tại một số thị trường và xác định đây là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp của mình. Tập đoàn này đã nhập khẩu nguyên liệu nhựa là chất dẻo sinh học từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất ra các sản phẩm túi, dao, thìa, dĩa…. Vào năm 2018, công ty cho ra mắt sản phẩm nhựa phân hủy sinh học AnEco đạt các yêu cầu về thân thiện với thiên nhiên, bảo vệ môi trường và xuất khẩu vào các thị trường châu Âu. AnEco không tạo ra vi nhựa, có khả năng phân hủy sinh học thành mùn, nước và CO2 trong vòng 6 tháng đến một năm, tùy thuộc vào điều kiện chôn lấp.

Nhằm chủ động về nguồn nguyên liệu sản xuất, thuận lợi cho việc giảm giá thành sản phẩm, gia nhập chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh toàn cầu, năm 2022 An Phát Holdings đã động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT có công suất 30.000 tấn/năm tại Hải Phòng với số vốn đầu tư 120 triệu đô la Mỹ, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024.

Nhằm sản xuất sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới, thời gian gần đây An Phát Holdings theo đuổi chiến lược chuyển đổi xanh thông qua chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường. Các thị trường trọng tâm sẽ tiếp tục là Việt Nam, châu Âu và Mỹ. An Phát Holdings hướng tới mục tiêu chiến lược năm 2024, doanh thu từ bao bì tự hủy sẽ đóng góp 40-50% trong doanh thu từ bao bì của tập đoàn này.

Tại buổi nói chuyện với cán bộ quản lý của An Phát Holdings được tổ chức gần đây, ông Phạm Ánh Dương, chủ tịch của An Phát Holdings chia sẻ việc phát triển dòng nguyên liệu nhựa sinh học PBAT sẽ là con đường chính, con đường dài của doanh nghiệp. Con đường này dẫu có nhiều khó khăn nhưng là điều tất yếu, bởi nó phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thế giới đó là sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu xanh nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đang gây hại cho môi trường.

Buộc phải thay đổi để tồn tại

Theo Bộ Công Thương, “xanh hóa” ngành dệt may là xu thế toàn cầu mà doanh nghiệp buộc phải thích nghi, đáp ứng nếu muốn tiếp tục duy trì và gia tăng cơ hội làm ăn với các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA). Yếu tố “xanh” không còn là lựa chọn mà đang dần được luật hóa ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thị trường châu Âu (EU) đã đưa ra tiêu chuẩn phát triển “xanh”, phát triển chuỗi cung ứng dệt may mang tính bền vững. Mỹ, Nhật Bản cũng sẽ áp dụng và có thể mở rộng ra các thị trường khác. Nếu doanh nghiệp chậm trễ phát triển theo hướng “xanh hóa” sẽ khó bán hàng vào các thị trường chủ lực, đồng nghĩa doanh nghiệp tự mình thu hẹp cơ hội phát triển trong tương lai.

Cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngày 30-3-2022 EU thông qua một gói hợp tác trong thỏa thuận xanh đối với hàng dệt may nhập khẩu, bao gồm các tiêu chí: thiết kế sinh thái; chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may… Theo đó, tầm nhìn EU tới năm 2030, các sản phẩm dệt may được đưa vào thị trường EU có tuổi thọ cao và có thể tái chế ở mức độ lớn…

Để thực hiện xanh hóa, ông Việt cho hay May 10 ngoài việc đầu tư các thiết bị tiên tiến, chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thì sử dụng năng lượng sạch cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Để thực hiện mục tiêu này, May 10 đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng được nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sản xuất. Bên cạnh đó còn áp dụng đồng bộ các quy trình gồm xử lý nước thải để tái sử dụng, cũng như tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Tổng hợp các giải pháp trên mỗi năm May 10 đã tiết kiệm kinh phí lên đến hàng tỉ đồng…

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn gai Thiên Phước, Thanh Hóa hiện đang có khoảng 3.800 héc ta vùng trồng cây gai xanh trên 12 tỉnh, thành. Sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên là lợi thế giúp sản phẩm dệt may Việt Nam tiếp cận đến nhiều thị trường khó tính.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Lê Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn gai Thiên Phước, Thanh Hóa cho biết: “Sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, các khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn trong danh sách các nhà cung ứng. Những nhà cung ứng nào mà đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ có cơ hội ký đơn hàng dài hạn”.

Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, những chiếc máy nhuộm tại Khu công nghiệp Bảo Minh, Nam Định sử dụng công nghệ tạo nhiệt hoàn toàn từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), giảm 50 tấn than đốt lò hơi mỗi ngày. Thêm nữa, 10% nước thải từ quá trình dệt nhuộm cũng được xử lý để tái sử dụng. Được biết khu công nghiệp này đầu tư như trên nhằm mục tiêu từ nay đến 2025 sẽ tái tuần hoàn được 50% lượng nước thải. Nước sau khi xử lý sẽ đáp ứng đủ điều kiện cho sinh hoạt, gia đình…

Với quan điểm nỗ lực sản xuất xanh, sạch, May Sông Hồng cũng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái và đưa vào sử dụng điện năng lượng mặt trời từ đầu năm 2022.

Cụ thể, May Sông Hồng lắp đặt hệ pin năng lượng trên mái nhà cho toàn bộ hệ thống lên tới hơn 20 xưởng sản xuất được xây dựng và quản lý tập trung.

Theo tính toán, Nhà máy Sông Hồng 7 với công suất 1,2 MWp tạo ra 1.269.760 kWh mỗi năm; Nhà máy Sông Hồng 10 với công suất là 0,77 MWp tạo ra 827.328 kWh. Việc thay thế một phần năng lượng sản xuất bằng nguồn năng lượng điện mặt trời sẽ giúp giảm thiểu 2.000 tấn CO2 mỗi năm và giúp bảo tồn 33.000 cây xanh mỗi năm ngay chính trên các nhà máy này.

Cùng với bảo vệ môi trường, thông qua việc giảm thải khí CO2, May Sông Hồng còn đạt được nhiều lợi ích về mặt kinh tế như chi phí điện năng cho sản xuất thấp hơn, chi phí bảo trì mái nhà xưởng cũng giảm đáng kể.

Ngoài lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, thời gian qua, May Sông Hồng còn triển khai nhiều dự án môi trường khác. Đơn cử, hệ thống nước thải được đầu tư hiện đại cho phép công ty dùng lại nước sau khi xử lý. Công ty dùng lò đốt điện thay than, đặc biệt ưu tiên sử dụng than biomass là than thân thiện môi trường, dạng than ép từ các vật liệu tái chế…

Ngoài các công ty trên, Công ty Dệt may Thành Công đã đầu tư phòng Lab để nghiên cứu về nguyên liệu “xanh” và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang “xanh”. Không những vậy, công ty này còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, cà phê, quần áo cũ…), sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.

Công ty may Tân Đệ là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Công ty may Tân Đệ là một trong những doanh nghiệp đẩy mạnh xanh hóa sản xuất để tăng tính cạnh tranh. Ảnh: DNCC

Tại Việt Nam hiện đã có công ty may đạt được chuẩn mực về xanh hóa và phát triển bền vững. Như tại Công ty cổ phần May Tân Đệ ở tỉnh Thái Bình. Khi đến công ty này, nhìn từ bên ngoài sẽ có cảm giác đứng trước một khu rừng, nhưng khi đi vào trong mới thấy đó là nhà máy. Công ty này có 19.000 lao động chia thành 7 khu vực, mỗi khu vực rộng gần 10 héc ta. May Tân Đệ đã đầu tư hạ tầng đạt tất các chuẩn mực về xanh hóa, chuẩn mực về môi trường, sử dụng nguồn nước sạch, tái tạo nguồn nước để phục vụ cho việc phát triển bền vững.

Hàng năm công ty may Tân Đệ xuất khẩu gần 12 triệu sản phẩm may mặc thể thao sàn Mỹ, Canada, châu Âu, châu Á…

Trung bình mỗi tháng các nhà máy của Công ty may Tân Đệ tiêu thụ khoảng 1.200.000 kWh điện. Để tiết kiệm điện, công ty đã áp dụng hàng loạt biện pháp như: sử dụng hệ thống tấm lợp mái Skyline lấy ánh sáng mặt trời; sử dụng tường kính tận dụng ánh sáng tự nhiên; thay bóng đèn sợi đốt, huỳnh quang bằng bóng đèn led tiết kiệm điện; sử dụng máy móc, thiết bị có công nghệ, động cơ tiết kiệm điện; sử dụng cửa mang cá lấy gió tự nhiên để tiết kiệm điện cho hệ thống thông gió…

Nhờ đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió, mỗi năm Công ty may Tân Đệ cũng tiết kiệm được 325.000 kWh điện. Ngoài ra, tại các nhà máy của công ty này có hệ thống giám sát từ xa việc sử dụng điện để từ đó đưa ra biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Bên cạnh việc đầu tư công nghệ và triển khai đồng bộ các biện pháp để tiết kiệm điện, hàng năm, May Tân Đệ thuê đơn vị có năng lực, uy tín để kiểm toán năng lượng. Từ đó phát hiện và điều chỉnh những công đoạn, quy trình sản xuất có khả năng tiết kiệm điện; đồng thời, thường xuyên làm việc với các đối tác cung cấp giải pháp tiết kiệm điện để tối ưu việc sử dụng điện tại công ty.

Cung cấp thông tin cho báo chí, lãnh đạo công ty May Tân Đệ cho rằng việc sản xuất gắn với phát triển xanh sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh với đối thủ ở nước ngoài. Công ty này không cạnh tranh bằng chi phí lao động giá rẻ, mà bằng các tiêu chuẩn gắn với bảo vệ môi trường. Điều này được khách hàng đánh giá cao và doanh nghiệp nhận được đơn hàng gia công cho các thương hiệu lớn.

Như vậy, với ngành dệt may, yêu cầu sản xuất xanh đang như một tấm vé thông hành để các doanh nghiệp có thể tiếp tục đi ra thị trường toàn cầu. Và muốn đi tiếp trong xuất khẩu dệt may, các doanh nghiệp không còn cách nào khác, buộc phải xanh hóa sản xuất.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-san-xuat-thay-doi-theo-yeu-cau-xanh-de-ton-tai/