Doanh nghiệp sản xuất và các nhà phân phối: Chung tay cùng kích cầu

Hiện nay, hoạt động xuất, nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi; sản xuất kinh doanh giảm, mức tiêu thụ hàng nội địa chậm lại. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp sản xuất phối hợp với nhà phân phối, bán lẻ đang nỗ lực triển khai nhiều hình thức bán hàng thuận tiện, giá cả phù hợp, nhằm kích thích sức mua.

Các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang liên tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Winmart.

Các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang liên tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn. Trong ảnh: Khách hàng lựa chọn các sản phẩm được bán tại hệ thống siêu thị Winmart.

Khuyến mại kéo doanh thu bán lẻ tăng

Không chỉ tiếp sức cho người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội đang liên tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ hàng hóa, giải phóng hàng tồn.

Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, mới đây, khi biết thông tin khoai lang Tây Nguyên chính vụ đang rớt giá mạnh từ 10.000 đồng/kg còn 3.500 đồng/kg, khiến người nông dân trồng khoai lang đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market của Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã triển khai ngay chương trình “Đồng hành cùng nông dân Gia Lai”, bán khoai lang không lợi nhuận. Cụ thể, khoai được bán ra với giá 9.900 đồng/kg tại các siêu thị GO!, Big C miền Trung, miền Nam; và giá 10.900 đồng/kg tại các siêu thị GO!, Big C miền Bắc.

“Dự kiến, trong một tuần áp dụng chương trình này, hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market sẽ tiêu thụ khoảng 80 tấn khoai lang của bà con nông dân Gia Lai. Chương trình bắt đầu từ ngày 11-4 và kết thúc khi thị trường có dấu hiệu bình ổn”, bà Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ.

Trước đó, bên cạnh hàng loạt chương trình khuyến mãi trong năm, Tập đoàn Central Retail Việt Nam triển khai chương trình áp dụng giá rẻ hơn thị trường cho 2.000 sản phẩm từ nay đến cuối năm.

Hệ thống siêu thị Winmart cũng tổ chức chương trình khuyến mại tới 45% đối với chương trình “Giá sốc cuối tuần - Thực phẩm ngon mua 1 tặng 1”; hệ thống siêu thị Co.op Mart luân phiên giảm giá từ 15 đến 20% cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống, sản phẩm công nghệ, đồ gia dụng, may mặc, hóa mỹ phẩm…

Các siêu thị điện máy cũng liên tục khuyến mại, giảm giá để kích thích tiêu dùng. Tại hệ thống siêu thị điện máy Media Mart đang diễn ra chương trình “Sale hè rực rỡ - Giảm hết cỡ”, áp dụng mức giảm giá đến 50% cho loạt sản phẩm điều hòa, ti vi, tủ lạnh, quạt mát…

Tại hệ thống Điện máy Xanh, các sản phẩm quạt điều hòa, quạt cây, quạt trần, quạt treo tường, tủ lạnh được giảm giá trong khoảng 30-46%. Hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim có chương trình “Đón đầu mùa nóng - Nhận sóng ưu đãi” với hàng loạt mã giảm giá áp dụng cho các thiết bị làm mát như: Máy lạnh Sharp Inverter giảm 1,3 triệu đồng, giá chỉ còn 8,39 triệu đồng/ chiếc; tủ lạnh LG Inverter 519 lít giảm từ 20,9 triệu đồng, nay chỉ còn 13,5 triệu đồng/chiếc…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho rằng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thu nhập giảm hiện nay, người tiêu dùng gần như chỉ tập trung chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu. Để bán được hàng, các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối buộc phải bước vào cuộc cạnh tranh giá bán hoặc có nhiều chương trình khuyến mại đi kèm, tích lũy điểm mua hàng…

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm được bày, bán tại hệ thống siêu thị Điện máy Xanh.

Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm được bày, bán tại hệ thống siêu thị Điện máy Xanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Ánh Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, khu vực dịch vụ gặp khó khăn do hoạt động xuất, nhập khẩu chưa có dấu hiệu phục hồi, sản xuất kinh doanh giảm, mức tiêu thụ hàng nội địa chậm lại, khiến sức mua các mặt hàng không thiết yếu giảm.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành khác và các đối tác nước ngoài, tổ chức quốc tế. Cùng với các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua tận dụng ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, việc kích cầu tiêu dùng trong nước sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ở góc độ doanh nghiệp sản xuất, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Huy Hoàn (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Hoan cho biết, tùy đặc trưng sản phẩm, thương hiệu và mô hình kinh doanh mà mỗi doanh nghiệp có chương trình kích cầu riêng. Tuy nhiên, giải pháp phổ biến của các doanh nghiệp phân khúc phổ thông là giảm giá, khuyến mãi; đồng thời, cắt giảm chi phí marketing, xây dựng thương hiệu, tập trung vào các chương trình giảm giá thực chất, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Về phía nhà phân phối, đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam Phạm Thùy Linh cho biết, doanh nghiệp đang phối hợp với Sở Công Thương tại các thành phố lớn như Hà Nội tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Tuy vậy, để các chương trình được triển khai nhanh chóng, bà Phạm Thùy Linh kiến nghị các cơ quan chức năng giảm bớt thủ tục đăng ký về khuyến mại, qua đó đẩy mạnh các chương trình kích cầu, gia tăng chất lượng phục vụ khách hàng.

Để tạo ra chuyển biến rõ nét hơn, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cần một chính sách lâu dài để kéo giảm chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó giảm chi phí lưu thông, lưu bãi, chi phí đưa hàng vào siêu thị, trung tâm thương mại… từ đó giúp giảm giá thành. Cùng với đó, các chương trình kích cầu cần được tổ chức liên tục và gắn kết để tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Hỗ trợ đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị tiêu thụ, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh kết nối với hệ thống bán lẻ, siêu thị, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất tiếp xúc với hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn những quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm.

Để tiếp tục tạo tăng trưởng cho tiêu thụ hàng hóa tại thị trường nội địa, Hà Nội đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân. Hà Nội gia tăng các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa; thúc đẩy hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, kết hợp với phòng, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Hiện nay, hầu như chuỗi siêu thị và cửa hàng nào cũng phải cạnh tranh giảm giá bán xuống sâu mới có thể bán được hàng hoặc thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm được.
Để có thể tiếp tục kích cầu tiêu dùng, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét các biện pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Giảm thuế, các khoản phí và lệ phí khác; cải thiện thủ tục đầu tư, giảm phiền hà, chống những hiện tượng tiêu cực, gây khó cho sản xuất, kinh doanh… Quan trọng hơn cả là các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, củng cố và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.

Với thị trường hàng tiêu dùng, nông sản hay lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…, doanh nghiệp cần xem xét giải pháp vừa nâng cao chất lượng, vừa giảm giá thành để kích thích mua sắm, nhất là trong hệ thống bán lẻ hiện đại. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử, giảm giá, tăng ưu đãi, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng, mua sắm mới.

Bà Chu Thị Phinh (phố Sài Đồng, quận Long Biên):
Quen dần mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi

Từ ngày siêu thị Winmart và cửa hàng nông sản sạch khai trương ngay đầu phố vào đầu năm ngoái, tôi không đi chợ truyền thống nữa mà chuyển sang mua sắm ở các cửa hàng khác xung quanh nhà vì giá cả tương đương hoặc cạnh tranh hơn hàng hóa ở chợ. Điều thu hút tôi đến mua sắm ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị là do có nhiều chương trình khuyến mại, được tích lũy điểm số quy đổi cho lần mua sau. Đặc biệt là không lo bị hớ giá, trong khi hàng hóa được kiểm duyệt an toàn hơn so với ở chợ.

Giờ nghỉ hưu có nhiều thời gian, để tiết kiệm chi phí chi tiêu, tôi thường sang siêu thị cạnh nhà vào buổi tối để mua những sản phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn, gà hay hải sản được giảm giá khoảng 30-40%; rau củ được giảm 70% so với giá niêm yết. Mua thịt lợn MeatDeli trong siêu thị Winmart vừa an tâm về an toàn thực phẩm, lại còn được giảm giá 25% hoặc tặng thêm 200g thịt; bắp cải chỉ 10.000 đồng/kg, bằng gần nửa giá so với mua ở chợ…

Quang Minh ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doanh-nghiep-san-xuat-va-cac-nha-phan-phoi-chung-tay-cung-kich-cau-663637.html