Doanh nghiệp sản xuất vẫn 'đánh đu' trước áp lực chi phí

Nhìn vào tình hình thua lỗ, sa sút lợi nhuận của một số doanh nghiệp sản xuất trong báo cáo tài chính quý 4/2023 mới công bố sẽ thấy, một trong những nguyên nhân là việc đội chi phí lãi vay, thu không đủ bù chi. Còn trong năm 2024 này, chi phí tiền lương tăng, khả năng tiếp tục tăng tiền điện khiến cho áp lực chi phí như 'đánh đu' đầy thách thức, đang đòi hỏi bản thân các nhà sản xuất phải có những giải pháp linh hoạt hơn nữa.

Khi bàn về việc tạo xung lực cho năm 2024, mới đây Văn phòng Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có lưu ý rằng, việc tiền lương tối thiểu vùng tăng thêm 6% từ 1/7/2024 và khả năng tăng tiền điện trong năm 2024 sẽ tạo ra áp lực không hề nhỏ đối với doanh nghiệp (DN) trong việc quản trị chi phí, duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đón chờ đơn hàng mới.

Chi phí lớn “ăn mòn” lợi nhuận

Soi chiếu lại hồi năm rồi, theo phía Văn phòng HĐQT của Vinatex, chi phí tiền lương cao dẫn đến khó khăn trong cạnh tranh đơn hàng về giá. Hiện nay trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn, Việt Nam đứng thứ 2 về tiền lương (sau Trung Quốc) với mức lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc là 300 USD/người/tháng.

Chi phí quá lớn đang “ăn mòn” lợi nhuận của các DN sản xuất, đòi hỏi họ cần có giải pháp linh hoạt hơn nữa trong năm 2024.

Chi phí quá lớn đang “ăn mòn” lợi nhuận của các DN sản xuất, đòi hỏi họ cần có giải pháp linh hoạt hơn nữa trong năm 2024.

Trong khi đó, Bangladesh chỉ ở mức 95 USD/người/tháng trong suốt năm 2023 (hiện đã tăng tiền lương tối thiểu lên mức 113 USD/người/tháng từ 1/12/2023, kéo tiền lương thực tế chỉ lên khoảng 125-230 USD/người/tháng), Campuchia 190 USD/người/tháng, Ấn Độ 145 USD/người/tháng.

Bên cạnh đó còn là vấn đề về chi phí tài chính, đã có những thời điểm, lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 10-12%, cao hơn khoảng 3% các nước khác. Từ đó, phía Vinatex đưa ra bài học rõ nét trong năm 2023 khi lãi suất liên tục tăng dẫn đến những khó khăn trong tiếp cận tín dụng cho thấy, DN cần đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn tài chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ các kênh đầu tư, tài trợ ngoài nguồn vay từ ngân hàng thương mại.

Có thể nói áp lực chi phí về chi phí tài chính, trong đó có lãi vay vẫn còn là một thách thức lớn cho các DN sản xuất khi mà tình trạng sa sút lợi nhuận, thậm chí thua lỗ có một phần nguyên nhân từ việc này. Điều đó có thể thấy rõ trong báo cáo tài chính quý 4/2023 được một số DN sản xuất công bố trong tháng 1/2024.

Đơn cử như trong báo cáo tài chính quý 4/2023 công bố hôm 30/1 của một DN hàng đầu trong ngành chế biến thủy sản xuất khẩu là CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) cho thấy chi phí tài chính tăng 10,92%, trong đó chi phí lãi vay tăng 36,9%.

Chưa kể, chi phí quản lý DN trong quý vừa qua của IDI tăng 20,92%. Việc đội chi phí khiến cho giá vốn tăng 12,84% trong khi doanh thu tăng 10,22%. Từ đó làm cho lợi nhuận sau thuế đạt 16,34 tỷ đồng, giảm 36,02% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế năm 2023, lợi nhuận của IDI đạt 72,3 tỷ đồng, giảm 86,79% so với năm 2022.

Hoặc như CTCP Tập đoàn Hòa Phát trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 cho thấy có số dư nợ vay tài chính lên đến gần 65.400 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023, chiếm gần 35% tổng tài sản. Con số này tăng gần 7.400 tỷ so với cuối quý 3 trước đó và là mức cao nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.

Theo giới quan sát, nợ vay “khổng lồ” khiến cho Hòa Phát phải gánh chi phí lãi vay rất lớn lên đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ mỗi quý. Chi phí lãi vay lớn ăn mòn đáng kể lợi nhuận của DN này, khiến cho lãi ròng lũy kế cả năm vẫn giảm hơn 19% so với năm trước.

Chờ giải pháp linh hoạt hơn nữa

Hay như trường hợp CTCP Thép Pomina trong báo cáo tài chính quý 4/2023 vừa công bố cho thấy lỗ sau thuế 313,5 tỷ đồng và là quý thứ 7 thua lỗ liên tiếp của công ty này. Tính lũy kế cả năm 2023 công ty này lỗ sau thuế 961 tỷ đồng trong khi năm 2022 lỗ ròng 1.168 tỷ đồng.

Việc thua lỗ liên tục khiến Thép Pomina lỗ lũy kế tăng lên mức 1.271 tỷ đồng tại ngày 31/12/2023, được xem là đơn vị ghi nhận khoản lỗ ròng lớn nhất ngành thép. Tình trạng thua lỗ này có phần nguyên do chi phí lãi vay cao, tổng nợ phải trả hơn 8.809 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 6.312 tỷ đồng.

Ngoài ra, cần nhắc thêm, trong Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của S&P Global vào tháng 1/2024 đã chỉ rõ vấn đề trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng thì các nhà sản xuất Việt Nam vẫn hạ giá bán hàng với mong muốn kích cầu.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nêu rõ đã có một số báo cáo về những vấn đề của khâu vận tải và chuyển hàng trong tháng 1/2024, từ đó dẫn đến thời gian giao hàng chậm và chi phí tăng.

Điều đáng nói trong khi chi phí tăng thì nhu cầu tiêu thụ vẫn tương đối yếu, là một bất lợi cho các DN sản xuất trong việc tìm kiếm doanh thu và lợi nhuận.

Còn theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 1/2024 tăng 0,22% so với tháng trước do chi phí nhân công, chi phí vật liệu, nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông và chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tăng. Hoặc như chỉ số giá thủy sản chế biến tăng 0,38% so với tháng trước, chỉ số giá đường tăng 0,85%...

Có thể nói, với việc “đánh đu” về mặt chi phí như hiện tại đang đòi hỏi các DN sản xuất phải tính toán kỹ lưỡng, toàn diện để thoát khỏi “vũng lầy” thua lỗ hay sa sút lợi nhuận.

Hơn thế nữa, khâu chính sách không thể nằm ngoài cuộc trong chuyện này. Chẳng hạn như băn khoăn của các nhà sản xuất về khả năng tiếp tục tăng tiền điện.

Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán VnDirect, trong năm 2024, nhu cầu điện của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 9% so với năm 2023, cao hơn đáng kể so với mức 4,7% trong năm rồi. Sự phục hồi của hoạt động sản xuất sẽ là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu điện. Tuy vậy, nhu cầu điện tăng cao khiến giá thị trường phát điện cạnh tranh có thể sẽ tăng theo.

Cách đây vài ngày, Bộ Công Thương đã đề nghị tăng tiếp giá điện trong năm nay, trong khi hồi năm rồi, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 7,5%, lên 2.092,78 đồng một kWh, sau khi được điều chỉnh hai lần vào tháng 5 và 11/2023.

Hoặc như việc giảm chi phí lãi vay. Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán DSC, dự phóng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm và chạm đáy vào cuối quý 1/2024. Với lãi suất cho vay tiếp tục giảm và thông tư giãn nợ tín dụng kỳ vọng được gia hạn thì các DN có thể giảm tải được áp lực tài chính.

Nhìn một cách tổng quan, để “vận đen” thua lỗ, sa sút không tiếp tục đeo bám các DN sản xuất trong năm 2024 đang đòi hỏi vấn đề trước mắt là chính bản thân DN cần tiết giảm một cách phù hợp các loại chi phí và có các giải pháp linh hoạt hơn nữa nhằm có thể tạo lợi ích cho mình.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-san-xuat-van-danh-du-truoc-ap-luc-chi-phi-1098165.html