Doanh nghiệp sốt ruột với kế hoạch hành động

Kết quả một năm thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thời gian hiệu lực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) không còn nhiều đang là lý do để cả doanh nghiệp và giới nghiên cứu chính sách cùng sốt ruột.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được coi là sức ép để Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được coi là sức ép để Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế.

Nỗi lòng của doanh nghiệp

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) mang đến Hội thảo Thực hiện hiệu quả CPTPP của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) một băn khoăn lớn.

“Có nhiều quy định, yêu cầu đáng ra phải thực hiện ngay từ ngày 14/1/2019 - thời điểm hiệu lực của CPTPP, nhưng đến giờ, chúng tôi vẫn phải đưa vào kỳ vọng của doanh nghiệp khi nói về CPTPP, như các vấn đề tổng thể về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, hay những quy định cụ thể như áp dụng quản lý rủi ro trong thông quan, hướng dẫn về đấu thầu...”, bà Trang thẳng thắn.

Phải nói lại, nếu việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ cũ gần như chỉ trông vào thời điểm ban hành các biểu thuế xuất nhập khẩu mới với các quy định về nguyên tắc xuất xứ, thì cam kết CPTPP cũng như EVFTA bao gồm các nội dung liên quan đến quy định pháp luật trong nước, nghĩa là đòi hỏi công việc phải thực hiện để tuân thủ cũng như sự chuẩn bị nội dung pháp lý, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành lớn hơn rất nhiều.

Thực tế, mọi việc đang chuyển động theo hướng tích cực. Đánh giá của CIEM nhận định, công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Cho dù số lượng các văn bản phải sửa đổi, ban hành trong năm 2019 không nhiều, do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật, nhưng thể hiện rõ nhu cầu phát triển nội tại của Việt Nam.

Các doanh nghiệp cũng có nhìn nhận tương tự.

“Chúng tôi vẫn nhìn thấy cố gắng của nhiều bộ, ngành, địa phương để thực hiện cam kết trong trách nhiệm công việc được giao. Năm ngoái, chúng ta đã nhắc đến kỳ tích 6 tháng hoàn tất những sửa đổi liên quan đến quy định về sở hữu trí tuệ, kinh doanh bảo hiểm, nhưng đó chỉ là kỳ tích của chúng ta, còn so với yêu cầu của cam kết vẫn là chưa đạt. Doanh nghiệp mong muốn các cam kết trong CPTPP và cả EVFTA là cái cớ, là động lực để các nhiệm vụ, đòi hỏi cải cách mà các bộ, ngành đang làm được đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn”, bà Trang khuyến nghị, trên cơ sở các khảo sát năm 2019 của VCCI với cộng đồng doanh nghiệp.

Sự sốt ruột của giới nghiên cứu

Mong muốn các cam kết trong CPTPP, hay cả EVFTA tới đây, là tiêu chuẩn, là động cơ để Việt Nam cải cách thể chế không phải chỉ từ doanh nghiệp. Giới nghiên cứu kinh tế còn coi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là sức ép để Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế tốt nhất.

Thực tế, nếu soi các cam kết trong các hiệp định này với các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, môi trường, phát triển bền vững..., thì không thấy có nhiều khoảng cách, có nghĩa, đây là con đường mà nền kinh tế Việt Nam đã chọn đi trong giai đoạn phát triển tới.

“Để chúng ta tự làm, có thể 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn mới hoàn thành, nhưng có CPTPP, có sức ép về mặt thời gian, cách thức phải làm, tốc độ sẽ nhanh hơn. Doanh nghiệp sẽ được lợi nhiều từ những thay đổi này”, bà Trang phân tích.

Có thể nhắc tới việc xử lý các vướng mắc mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành kéo dài vài năm nay làm ví dụ. Được lần đầu nhắc đến vào năm 2015 tại Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2015-2016, khi xem xét thứ hạng rất thấp của Việt Nam trong chỉ số thương mại qua biên giới (trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới - WB), đến Nghị quyết 02/2020 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục giao nhiệm vụ cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành...

Nhưng trong cuộc họp ngày 19/2/2020 tại Văn phòng Chính phủ về Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” theo Nghị quyết 99/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vẫn phải nhắc đến thực tế chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, có mặt hàng vẫn còn 2-3 cơ quan kiểm tra, gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phải nói rằng, thời gian lãng phí này có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm, những hiệu quả thấp này dồn lại là doanh nghiệp phải gánh chịu...

Trong khi đó, yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan có trong cam kết CPTPP phải thực hiện từ ngày 14/1/2019.

Những đòi hỏi tốc độ và chất lượng

Tham gia CPTPP và EVFTA là tập hợp những quốc gia hàng đầu, nếu nhìn ở khía cạnh môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Chỉ nhìn 11 quốc gia thành viên của CPTPP, Việt Nam chỉ đứng trên Pêru 6 bậc về xếp hạng môi trường kinh doanh của WB, cách xa các nền kinh tế còn lại.

Trong đánh giá của Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) năm 2019 về khoảng cách pháp lý đối với các đối tác hiệp định thương mại tự do, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước còn khoảng cách khá xa so với thông lệ tốt quốc tế.

“Thực tế này làm giảm năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung, nhưng cũng cản trở doanh nghiệp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh của mình. Trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những khó khăn này lại gián tiếp làm giảm đi khả năng hội tận dụng cơ hội mới”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói khi nhắc tới hàng loạt khó khăn mà VASEP đã kiến nghị sửa đổi nhiều năm, nhưng chưa được.

Theo ông Nam, nhiều doanh nghiệp hội viên của VASEP đang gặp khó khi đầu tư nâng cấp, đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất/giảm ô nhiễm (nước thải, chất thải…). Theo quy định hiện hành, khi làm việc này, doanh nghiệp phải làm lại rất nhiều thủ tục từ điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, các quy định về bảo vệ môi trường...

“Thực tế, có doanh nghiệp chỉ cần đầu tư 1 máy cấp đông giá 10 tỷ đồng cũng phải làm rất nhiều thủ tục vì vốn đầu tư chiếm 10% tổng vốn đầu tư đã đăng ký... Chúng tôi đề nghị liên thông các thủ tục cấp phép trên để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng chưa thấy có thông tin mới”, ông Nam nói.

Có lẽ phải nhắc lại một ý mà ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh trích ra từ Báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên WTO” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện năm 2015. Đó là phần lớn các bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hiện so với cam kết, nhưng không thấy sự năng động, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề có tính liên ngành phát sinh trong quá trình hội nhập, không thấy mục tiêu thực hiện hiệu quả các cam kết...

“Tôi mong trong kế hoạch hành động thực hiện CPTPP nên gộp cả EVFTA và không chỉ là nỗ lực thực hiện cam kết, mà phải là các giải pháp thực hiện hiệu quả cam kết, tận dụng cam kết để đạt các mục tiêu phát triển. Khi đó, việc tận dụng cơ hội mới có thể tính đến thực chất”, ông Thành nói.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-sot-ruot-voi-ke-hoach-hanh-dong-d116404.html