Doanh nghiệp sử dụng xe quá tải, thuê mượn đất lúa để khai thác vàng?
Người dân cho rằng, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Hiếu Trường thuê mượn ruộng lúa để đãi cát, tìm vàng nhưng chính quyền khẳng định không biết.
Thuê, mượn ruộng lúa giá cao để đào vàng?
Người dân thôn Cầu Gai, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên phản ánh, vài năm nay, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Hiếu Trường (Công ty Hiếu Trường) được cấp phép khai thác cát, sỏi tại lòng suối Hòa Khê và bãi bồi xung quanh.
Tuy nhiên nhiều năm nay, Công ty này đã tự thuê ruộng lúa của hàng chục hộ dân với thỏa thuận sau khi đào đất, đá đãi cát, tìm vàng sẽ san gạt mặt bằng, trả lại đất cho người dân canh tác.
“Gia đình tôi có hơn 2 sào lúa cho Công ty Hiếu Trường thuê để khai thác khoáng sản từ 3 năm nay. Sau khi thỏa thuận thuê ruộng lúa với 65 triệu/sào, họ đã mở đường ra cánh đồng, đưa máy múc, ô tô trọng tải lớn đến múc toàn bộ đất, đá trên đồng rộng với độ sâu trung bình hơn 10m để vận chuyển về khu vực sàng tuyển, chế biến. Điều này khiến khu đất lúa rộng vài ha bị đào sâu, ngập trắng nước khi mưa”, bà Diệp Thị Ban, người dân xã Nam Hòa nói.
Nhiều người dân cũng cho biết, đến nay, một số diện tích đã hết thời hạn thuê nhưng Công ty Hiếu Trường chưa hoàn trả được mặt bằng như thỏa thuận. Một số diện tích Công ty này vận chuyển đất từ trên núi xuống để lấp hồ nhưng đất thiếu bằng phẳng, nhiều đá nên người dân chưa thể canh tác. Vậy nên, dù Công ty này đã nhiều lần đến nhà vận động, muốn thuê thêm diện tích với giá tăng lên hơn 80 triệu/sào nhưng người dân chưa đồng ý.
Trước phản ánh trên, những ngày gần đây, PV Báo Giao thông đã có dịp "mục sở thị" điểm khai thác khoáng sản trên của Công ty Hiếu Trường. Theo quan sát, khu vực khai thác trên cách xa dòng suối Hòa Khê, nơi doanh nghiệp này được cấp phép khai thác khoáng sản hàng trăm mét. Diện tích ruộng và nương bãi rộng vài ha của người dân đã bị đắp đường, khoét rỗng sâu cả chục mét, tạo thành hồ mênh mông nước.
Toàn bộ đất đá đào, móc được trên cánh đồng này đều được Công ty Hiếu Trường tập kết về khu vực chế biến tại điểm mỏ này để sàng tuyển, nghiền thành cát rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Hiện nay, một phần diện tích sau khai thác đã được Công ty này đào núi và diện tích đất lâm nghiệp gần khai trường trên, vận chuyển đến san lấp, trả lại mặt bằng cho người dân. Hàng ngày, các xe trọng tải lớn vẫn vận chuyển cát lưu thông trên đường dân sinh nối từ mỏ cát ra QL17. Do xe quá lớn, trong khi đường lại quá nhỏ nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc, mất ATGT.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đồng Hỷ cũng khẳng định: Công ty Hiếu Trường chỉ được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp phép khai thác cát sỏi, không được khai thác vàng. Đến nay, cũng chưa có báo nào của Công ty Hiếu Trường thể hiện việc có vàng tại điểm mỏ này.
“Trước đây, huyện cũng mới chỉ kiểm tra, xử lý vi phạm trong phạm vi mỏ được cấp phép và diện tích đất đã được UBND tỉnh Thái Nguyên chuyển đổi mục đích sử dụng, cho Công ty thuê đất. Phòng TN&MT huyện Đồng Hỷ chưa biết việc Công ty này thuê ruộng lúa của người dân để khai thác vàng và cát, sỏi”, ông Bảy quả quyết.
Nêu quan điểm về vụ việc trên, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Theo quy định, doanh nghiệp chỉ được phép thỏa thuận đền bù đất nông nghiệp với người dân trong chỉ giới mỏ đã được cấp phép. Tuy nhiên, việc đền bù, chuyển nhượng phải được UBND xã xác nhận, UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất, trình UBND tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang khai thác khoáng sản. Đặc biệt, doanh nghiệp phải được UBND cấp tỉnh Thái Nguyên cho thuê đất, hết thời gian thuê, toàn bộ diện tích sẽ được trả cho nhà nước quản lý. Doanh nghiệp không được tự thỏa thuận; thuê, mượn đất để khai thác và trả lại mặt bằng như phản ánh trên. Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm.
Lãnh đạo TTGT tỉnh Thái Nguyên cũng khẳng định sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải hoạt động tại điểm mỏ trên.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.