Doanh nghiệp tại Hà Nội dừng sản xuất vì chưa được cấp giấy đi đường
Một số doanh nghiệp (DN) sản xuất mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đã tạm dừng sản xuất bởi gặp nhiều vướng mắc trong việc cấp giấy đi đường.
Ảnh minh họa
Dù chỉ còn ít giờ là bước sang ngày 8/9 - thời điểm Hà Nội kiểm tra giấy đi đường mới nhưng đến nay nhiều DN vẫn chưa nhận được giấy đi đường. Có DN vẫn đang loay hoay với thủ tục, chưa nộp được cho cơ quan chức năng.
Ông Long (chủ doanh nghiệp sản xuất tại huyện Thanh Oai) cho biết, ở huyện mọi thủ tục vẫn thực hiện bằng văn bản giấy. DN đã đi vài lần bổ sung giấy tờ nhưng vẫn chưa đầy đủ. Cuối giờ chiều DN sẽ lên bổ sung hoàn thiện giấy tờ lần cuối. "Với tiến độ này khó có khả năng kịp có giấy đi đường vào ngày 8/9 nên tôi đã chủ động cho một số nhân viên tạm nghỉ đến khi có thông báo mới", ông Long nói.
Một cơ sở sản xuất đồ thiết yếu trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết thêm, đã 24 giờ sau khi nộp đầy đủ hồ sơ cho Công an phường và Sở Công Thương nhưng DN vẫn chưa được phản hồi từ bất cứ cơ quan nào. Do sản xuất hàng thực phẩm, có thời hạn sử dụng nên DN đã quyết định dừng sản xuất từ ngày 6/9. Tuy nhiên, hơn 4 tấn hàng đã sản xuất chưa được phân phối, nếu không có giấy đi đường trong ngày thì số hàng này bắt buộc phải tiêu hủy.
Doanh nghiệp T.L ở quận Hoàng Mai thì cho biết, vẫn chưa xác định được cơ quan nào cấp giấy đi đường cho DN. DN đã chủ động gọi điện đến Sở Công Thương Hà Nội thì được hướng dẫn rằng: Cơ quan nào cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan đó cấp giấy đi đường. Giấy chứng nhận cửa DN này do quận Hoàng Mai cấp; nhưng quận lại không có chức năng cấp giấy đi đường. "DN không biết phải hỏi ai nữa nên đành tạm dừng để chờ thông tin mới từ cơ quan chức năng".
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, đối với vấn đề quy định lại về việc cấp giấy đi đường ông cho rằng vẫn chưa hợp lý.
Cụ thể, quy định, hướng dẫn có những nội dung khó hiểu, dẫn đến áp lực cho người dân, doanh nghiệp và quá tải đối với cơ quan chức năng trong việc cấp giấy đi đường. Theo dự kiến, quy trình cấp giấy đi đường chủ yếu có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an thành phố.
Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm, nếu để hai đầu mối này cấp giấy đi đường khả năng sẽ quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho công dân, doanh nghiệp và quá tải về công việc đối với chính cơ quan công an.
Với số lượng người được phép ra đường như hiện nay rất nhiều, khi quá nhiều người gọi điện và liên hệ qua email của cơ quan chức năng, các đầu mối tiếp nhận thông tin và xem xét cấp giấy hiện tượng quá tải hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Cường, để giảm thiểu số người ra đường thì đơn giản nhất là hạn chế số người được phép hoạt động trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 16 thay vì việc gia tăng các thủ tục hành chính, gây khó khăn, phức tạp cho việc cấp giấy ra đường, ảnh hưởng đến cả cơ quan chức năng và người dân trong việc thực hiện thủ tục này.