Doanh nghiệp tại Nga nỗ lực vượt khó

Các lệnh trừng phạt liên quan căng thẳng tại Ukraine đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất của các công ty tại Nga. Tuy nhiên, theo thời gian, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đã biết cách vượt khó. Từ chỗ cố gắng trụ vững, nhiều công ty đã nhìn ra cơ hội và sẵn sàng phát triển.

Công nhân làm việc trong nhà máy Nor-Maali ở Pskov (Nga). (Ảnh: THANH THỂ)

Công nhân làm việc trong nhà máy Nor-Maali ở Pskov (Nga). (Ảnh: THANH THỂ)

Đặc khu kinh tế Moglino ở tỉnh Pskov, tây-bắc nước Nga là khu vực có cơ sở hạ tầng công nghiệp hiện đại, sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Hiện 16 công ty Nga và nước ngoài đang đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh tại đây.

Trong số các hãng nước ngoài, Công ty Nor-Maali của Phần Lan chuyên sản xuất sơn đã quyết định trụ lại thị trường Nga, bất chấp áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Ông Vladimir Pasichnyuk, Giám đốc sản xuất Công ty Nor-Maali cho biết, trước đây, công ty thường nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Âu. Tuy nhiên, hiện việc nhập khẩu một số hàng hóa, máy móc sang Nga bị gián đoạn.

Thừa nhận bước đầu có khó khăn, song theo ông Pasichnyuk, công ty đã tìm được các giải pháp nhập khẩu thay thế. Khó khăn lớn nhất hiện nay nằm ở khâu vận chuyển. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Nor-Maali cũng nhấn mạnh, các công ty rời khỏi thị trường Nga đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trụ lại.

Bên trong nhà máy Titan-Polymer ở Pskov. (Ảnh: THANH THỂ)

Bên trong nhà máy Titan-Polymer ở Pskov. (Ảnh: THANH THỂ)

Giống như Nor-Maali, Công ty Titan-Polymer cũng đặt xưởng sản xuất trong đặc khu kinh tế Moglino, chuyên sản xuất các loại hạt và màng nhựa PET, phục vụ nhu cầu thị trường Nga và xuất khẩu.

Ông Maxim Filippov, Giám đốc thương mại Công ty Titan-Polymer cho biết, kế hoạch xuất khẩu của công ty đã thay đổi. Trước đây, doanh nghiệp dự định xuất khẩu 30% sản lượng, nhưng giờ phải xem xét lại. Hiện công ty cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi...

Cũng theo ông Filippov, Titan-Polymer thành công trong việc tìm các nguồn nguyên vật liệu thay thế. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh hợp tác với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ và châu Á.

Không chỉ tác động ngành sản xuất vật liệu xây dựng, các lệnh trừng phạt cũng đã ảnh hưởng không nhỏ ngành công nghiệp thực phẩm ở Nga.

Với 77 năm hoạt động, Công ty cổ phần sản xuất bánh mì Pskov là một trong những doanh nghiệp công nghiệp thực phẩm lớn nhất tỉnh Pskov và tây-bắc nước Nga. Mỗi ngày, sản lượng nhà máy đạt hơn 50 tấn, gồm các loại bánh mì, bánh ngọt…

Sản xuất bánh mì tại Pskov. (Ảnh: THANH THỂ)

Sản xuất bánh mì tại Pskov. (Ảnh: THANH THỂ)

Trước đây, nhà máy thường nhập khẩu máy móc từ: Italy, Đức, Séc... Tuy nhiên, hiện những nguồn nhập khẩu này bị tạm dừng. Ngoài máy móc, các nguồn nguyên liệu và các loại nhân bánh, men làm bánh cũng bị gián đoạn.

Theo bà Lyubov Kotova, Phó Tổng giám đốc phụ trách thương mại của Công ty cổ phần sản xuất bánh mì Pskov, để khắc phục khó khăn, nhà máy đã đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc. Công ty cũng tìm được các nguồn nhập khẩu thay thế đi qua Thổ Nhĩ Kỳ. Các loại hoa quả khô làm bánh nhập từ Iran, hoặc Pakistan.

Sau khi khắc phục những khó khăn ban đầu, các doanh nghiệp tại Pskov đang tiếp tục nỗ lực để trụ vững và phát triển. Một trong những yếu tố tạo niềm tin cho các doanh nghiệp là cơ hội từ thị phần mà các công ty phương Tây bỏ lại khi rời khỏi Nga.

Bên trong cơ sở sản xuất phô-mai Sergey Salny. (Ảnh: THANH THỂ)

Bên trong cơ sở sản xuất phô-mai Sergey Salny. (Ảnh: THANH THỂ)

Ông Sergey Salny, giám đốc xưởng sản xuất phô mai có tiếng trong vùng cho biết, công ty đang tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước. Doanh nghiệp của ông Salny không bị ảnh hưởng, do toàn bộ máy móc và nguyên liệu đều có sẵn trong nước.

“Cơ hội rất nhiều khi các công ty phương Tây rời đi. Chúng tôi có một thị trường nước Nga vô cùng rộng lớn. Tại thời điểm này, thay vì định hướng xuất khẩu, chúng tôi tập trung sản xuất ổn định, bảo đảm chất lượng đã làm nên thương hiệu công ty”, ông Sergey Salny nói.

Vừa qua, phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg lần thứ 26, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng. Chiến lược do cả Nhà nước và doanh nghiệp Nga lựa chọn đã phát huy tác dụng.

Cũng theo nhà lãnh đạo Nga, nền kinh tế Nga bắt đầu tăng trưởng từ quý II/2022, dù thực tế lúc đó đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Tổng thống Putin cũng dự báo, đến cuối năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể tăng dưới 2%.

Theo Tổng thống Putin, Nga kiên định với các nguyên tắc phát triển kinh tế đã đề ra. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, Nga cần một chính sách kinh tế chủ động, chuyển sang nền kinh tế trọng cung. Điều này đòi hỏi xây dựng lực lượng sản xuất trên quy mô lớn, củng cố cơ sở hạ tầng, phát triển công nghệ tiên tiến và tạo ra năng lực công nghiệp.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-tai-nga-no-luc-vuot-kho-post758185.html