Doanh nghiệp 'tái sinh' nhờ phát triển nhà máy thông minh

Tham gia dự án tư vấn của Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam, nhà máy của các doanh nghiệp đã tái sinh thành một nhà máy thông minh hoàn toàn khác biệt so với trước đây nhờ tối ưu hóa các hoạt động sản xuất thông qua chuyển đổi số, nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Sau 3 năm triển khai, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Samsung Việt Nam đã tư vấn trực tiếp cho 72 doanh nghiệp

Sau 3 năm triển khai, Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Samsung Việt Nam đã tư vấn trực tiếp cho 72 doanh nghiệp

Cấp độ nhà máy thông minh bình quân tăng lên từ 0,9 lên 2,1

Nhằm nâng cao năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thông qua việc bồi dưỡng các chuyên gia tư vấn nhà máy thông minh và cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ thông tin của doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập, vận hành nhà máy thông minh, ngày 22/2/2022, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Samsung Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nhà máy thông minh.

Sau 3 năm triển khai, Dự án đã tư vấn trực tiếp cho 72 doanh nghiệp. Trong đó, từ năm 2022 đến năm 2023, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam đã đào tạo 122 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 52 doanh nghiệp trên cả nước.

Năm 2024, Samsung Việt Nam đã tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 20 doanh nghiệp trên cả nước.

Cục Công nghiệp cho biết, sau quá trình tư vấn, nhìn chung các doanh nghiệp tham gia chương trình đã triển khai và xây dựng hiệu quả nền tảng cơ bản trong thu thập dữ liệu theo thời gian thực thông qua các hoạt động: Áp dụng quét mã vạch để quản lý kết quả sản xuất và hiện trạng xuất/nhập kho; Lắp cảm biến tại các máy sản xuất để thu thập dữ liệu sản xuất theo thời gian thực; Lắp màn hình quan sát tại các vị trí cần thiết để cập nhật bảng dữ liệu thời gian thực (lỗi thiết bị, lỗi sản phẩm, hàng tồn kho, hiện trạng sản xuất…); Bước đầu xây dựng hệ thống quản lý khuôn và phần tích dữ liệu định kỳ.

Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ tư vấn tạo nền tảng ứng dụng phần mềm, giúp một số doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình thao tác phần mềm; Cải tiến phương pháp ghi nhận dữ liệu thủ công sang sử dụng Google Sheet để chia sẻ rộng rãi; Giảm thời gian thao tác công đoạn; Sàng lọc, sắp xếp, tối ưu hóa, tạo dựng môi trường sản xuất an toàn.

Các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh

Các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh

Các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, cấp độ nhà máy thông minh bình quân tăng lên từ 0,9 lên 2,1 (theo đánh giá của Samsung Việt Nam).

Một số doanh nghiệp đã tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống MES, ERP quy mô nhỏ hoặc ứng dụng IoT vào giám sát sản xuất.

“Tái sinh” các nhà máy

Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm in ấn từ nguyên liệu như giấy và nhựa, chủ yếu cung cấp cho Samsung bao bì và hộp giấy dùng trong đóng gói các sản phẩm điện thoại thông minh.

Dù đã phát triển thành một công ty sản xuất bao bì có doanh thu hàng năm trên 30 tỷ KRW (khoảng 550 tỷ đồng), nhưng Công ty vẫn luôn trăn trở về không ít vấn đề tồn đọng từ quá khứ cần phải giải quyết. Vì tất cả các quy trình, từ vận hành máy in, sản xuất in ấn, quản lý kho, bảo trì thiết bị đều phụ thuộc vào phương pháp thủ công. Toàn bộ các thông tin thu thập được từ các khâu sản xuất đều được ghi tay rồi nhập vào Excel để lưu trữ. Trong khi đó máy in thường hỏng đột ngột gây ra nhiều trở ngại.

Các quy trình không hiệu quả của Bao bì Thăng Long đã cho thấy giới hạn trong việc nâng cao năng suất và kiểm soát chất lượng. Điều này cũng trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của công ty.

Trước thực trạng này, Dự án của Bộ Công Thương và Samsung đã vào cuộc hỗ trợ xây dựng hệ thống sản xuất thông minh cho Bao bì Thăng Long. Một hệ thống thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu về năng suất sản xuất, tình trạng thiết bị và dòng chảy sản phẩm theo thời gian thực đã được thiết lập. Mọi thiết bị tại các công đoạn đều được trang bị cảm biến hiện đại, qua đó tạo thuận lợi trong việc thu thập và phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Công nghệ tự động hóa cũng được áp dụng vào quản lý chất lượng máy in - tại sản cốt lõi của các công ty in ấn. Bên cạnh đó, một hệ thống giám sát trạng thái thiết bị theo thời gian thực, cảnh báo phát ra khi vượt quá giới hạn cho phép đã được thiết lập, qua đó giúp kiểm tra và phòng ngừa hỏng hóc trước khi phát sinh.

Tại Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, một hệ thống thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu về năng suất sản xuất, tình trạng thiết bị và dòng chảy sản phẩm theo thời gian thực đã được thiết lập

Tại Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, một hệ thống thu thập, phân tích và quản lý dữ liệu về năng suất sản xuất, tình trạng thiết bị và dòng chảy sản phẩm theo thời gian thực đã được thiết lập

Từ việc quản lý dữ liệu hoàn toàn bằng phương pháp thủ công sử dụng nguồn lực con người, sau khi được hỗ trợ, Bao bì Thăng Long giờ đã số hóa và quản lý các dữ liệu trên phần mềm và hệ thống.

“Quan trọng nhất là dự án đã giúp chúng tôi quản lý và loại bỏ được những lỗi bất thường gây ra nhiều thiệt hại lớn cho công ty ở các công đoạn sản xuất. Đây là điều rất quan trọng với công ty trong quá trình phát triển”, ông Nguyễn Minh Ngọc - Tổng giám đốc Công ty chia sẻ. Qua đó, Bao bì Thăng Long đã cắt giảm lượng tiêu thụ năng lượng và tăng cường quản lý ESG (Môi trường, Trách nhiệm xã hội và Quản trị minh bạch). Các thiết bị sẽ tự động tắt nguồn khi không hoạt động, tối ưu hóa việc vận hành máy sấy in, giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ điện năng. Quy trình sản xuất cũng được tái cấu trúc để phù hợp với luồng công việc, từ đó nâng cao hiệu suất sản xuất.

Bà Đỗ Thị Phương Liên - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết, việc in ấn là thao tác tạo ra hàng chục tờ mỗi giây, nên bất kỳ sự cố nào xảy ra với thiết bị đều ảnh hưởng trực tiếp đến việc giảm doanh thu. Trước đây, thời gian xử lý và bảo trì kéo dài khiến tỷ lệ hoạt động của máy móc giảm đáng kể.

“Nhờ sự hỗ trợ của Samsung mà nhà máy của chúng tôi đã tái sinh thành một nhà máy thông minh hoàn toàn khác biệt so với trước đây, điều này chẳng khác gì như một lần khởi nghiệp thứ hai”, bà Liên bày tỏ sự vui mừng.

Kết thúc thời gian được tư vấn cải tiến, lãnh đạo Bao bì Thăng Long cũng cam kết sẽ duy trì và lan rộng dự án ra toàn công ty, kiên quyết sẽ xử lý triệt để những vấn đề cần cải tiến một cách nhanh nhất.

Tương tự Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Xây dựng, Cơ khí và Thương mại Bình Minh (Bình Minh TMC) cũng đã được "tái sinh" nhờ tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh của Samsung.

Từ một không gian chỉ khoảng 150m² vào năm 2008, Bình Minh TMC hiện đã phát triển thành một doanh nghiệp với quy mô 10.000m² với tổng 320 nhân viên, là đối tác chiến lược chuyên sản xuất các linh kiện, sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao và độ chính xác tuyệt đối cung cấp cho Samsung và nhiều tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam.

Trước khi tham gia Dự án nhà máy thông minh, Công ty đã thử nhiều cách để giảm tỷ lệ lỗi và tăng năng suất, nhưng hiệu quả mang lại đều không đáng kể. Thay đổi thực sự chỉ đến sau khi áp dụng giải pháp nhà máy thông minh.

Theo đó, các quy trình ghi chép và quản lý thủ công lặp đi lặp lại hằng ngày của Công ty nay đã được số hóa hoàn toàn. Toàn bộ thông tin sản xuất đều có thể kiểm tra theo thời gian thực, giúp giải quyết vấn đề ngay lập tức.

Các quy trình ghi chép và quản lý thủ công lặp đi lặp lại hằng ngày của Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh (Bình Minh TMC) nay đã được số hóa hoàn toàn

Các quy trình ghi chép và quản lý thủ công lặp đi lặp lại hằng ngày của Công ty TNHH Xây dựng, cơ khí và thương mại Bình Minh (Bình Minh TMC) nay đã được số hóa hoàn toàn

Hệ thống điều hành sản xuất (MES) được áp dụng để theo dõi tiến độ sản xuất theo thời gian thực, điều chỉnh kế hoạch và tình hình thực tế, giúp tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, vận hành nhà máy hiệu quả hơn. Tỷ lệ hoạt động của thiết bị đã tăng đáng kể, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Bình Minh TMC dự kiến doanh thu năm nay sẽ tăng hơn 30% so với năm trước. Hiện tại, Công ty đang tiến hành thử nghiệm chuyển đổi một số dây chuyền sản xuất thành dây chuyền thông minh và có kế hoạch mở rộng áp dụng ra toàn nhà máy.

Tiếp tục tìm kiếm doanh nghiệp tiềm năng

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực công nghiệp, đồng thời tăng cường hơn nữa sự kết nối giữa Samsung với doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ngày 12/5/2025, Cục Công nghiệp đã có Công văn số 181/CN-CNHT về việc phối hợp thực hiện chương trình phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Theo đó, Cục đang phối hợp với Samsung Việt Nam tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp tham gia Dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (Smart Factory).

Năm 2025, Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ tư vấn, cải tiến cho 10 doanh nghiệp (5 doanh nghiệp phía Bắc và 5 doanh nghiệp phía Nam) áp dụng mô hình Nhà máy thông minh.

Sau khi lựa chọn được doanh nghiệp hỗ trợ, các chuyên gia của Dự án sẽ hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh và quản lý về sau.

Trong thời gian 3 tuần học lý thuyết, Samsung sẽ phối hợp cùng Bộ Công Thương lựa chọn các chuyên gia tư vấn Việt Nam xuất sắc trong lĩnh vực cải tiến năng suất chất lượng để tiếp tục đào tạo nâng cao về nhà máy thông minh.

Trong 9 tuần thực hành, các chuyên gia Samsung và chuyên gia tư vấn Việt Nam sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

Cuối cùng dựa trên kết quả tư vấn hiện trường, các chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống vận hành và quản lý về sau như thúc đẩy doanh nghiệp tự tiếp tục triển khai hoạt động cải tiến, kiểm tra định kỳ mức độ cải tiến lĩnh vực sản xuất/IT sau dự án.

Thy Thảo

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/doanh-nghiep--tai-sinh--nho-phat-trien-nha-may-thong-minh-140601.htm