Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng Tết 'đầy khí thế'

Dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng thị trường mua sắm cuối năm vẫn có những dấu hiệu tích cực. Sức mua của người dân đã bắt đầu cải thiện và dự kiến tăng dần vào dịp Tết.

Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng hóa Tết

Tại tọa đàm "TP. HCM bảo đảm nguồn hàng, giá cả ổn định dịp cuối năm", Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, nếu tháng 10 tổng doanh số bán buôn, bán lẻ ở mức 43.000 tỷ đồng, tháng 11 đã đạt 55.000 tỷ đồng và dự kiến tháng 12 lên hơn 66.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng hóa Tết

Bài liên quan

Cây bưởi Diễn sum suê được người dân TP. HCM 'đặt cọc' cho ngày Tết Nhâm dần

Người dân di chuyển bằng máy bay thế nào trong dịp Tết?

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 có còn lộng lẫy?

Hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình đang cách ly trong dịp Tết phải bảo đảm an toàn

Bên cạnh đó, chương trình khuyến mãi tập trung do UBND TP. HCM tổ chức đang diễn ra từ 15/11 đến 31/12 cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Có khoảng 1.700 doanh nghiệp tham gia, với hơn 7.000 chương trình khuyến mãi với mức khuyến mãi khoảng 30%.

"Chúng tôi đo lường và thấy rằng sức mua của thị trường gia tăng. Doanh nghiệp bán được hàng với lượng lớn và người tiêu dùng có thể mua những sản phẩm vừa với túi tiền của mình", ông Vũ nói.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện người dân đã sắm Tết, mua hàng Tết nhiều hơn so với những ngày trước.

Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM Lý Kim Chi cũng đánh giá, không khí tất bật chuẩn bị Tết đang đầy khí thế tại các doanh nghiệp.

"Sẽ có hạn chế phần nào về sức tiêu thụ lượng hàng nhưng các doanh nghiệp vẫn sản xuất đang trong tâm thế chuẩn bị cho cung ứng thị trường dịp Tết này", bà Chi nói.

Xu hướng ăn Tết "ai ở đâu ở yên đó"

Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng có 3 điểm tác động rất lớn đối với việc chuẩn bị của các doanh nghiệp trong mùa Tết năm nay.

Thứ nhất, việc tiêu dùng cũng như các hoạt động vui chơi giải trí ngày Tết sẽ chỉ ở phạm vi trong nước, do việc di chuyển sang các nước khác đang gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, Tết Nguyên đán năm nay sẽ không tạo được làn sóng di chuyển như là công nhân về quê ăn Tết mà gần như tỷ lệ ai ở đâu ở đó để ăn Tết, vui chơi Tết là một xu hướng mới của năm 2022.

Thứ ba, ông Đức nhận định, tình hình Tết năm nay sẽ linh hoạt theo từng địa phương vì tình hình dịch bệnh mỗi nơi mỗi khác.

"Chính vì vậy, về nhu cầu dự trữ hàng hóa, chuẩn bị Tết, đơn vị đã chuẩn bị để đảm bảo một cái Tết sung túc cho bà con theo phương châm thừa hơn là thiếu", Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết.

Các siêu thị cam kết không tăng giá trong dịp Tết

Cụ thể, để chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Saigon Co.op đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

"Bà con không lo hàng hóa bị tăng giá vào dịp Tết, mặc dù trong bối cảnh cuối năm vừa qua, thị trường có biến động", ônh Anh Đức cam kết.

Trong khi đó, AEON Việt Nam cũng dự kiến tăng khoảng 15-20% hàng hóa so với năm ngoái. Chuỗi siêu thị này đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng giá cả ổn định cho dịp Tết sắp tới.

Để chuẩn bị cho dịp Tết 2022, MM Mega Market cũng lên kế hoạch dự trữ cho những mặt hàng thiết yếu tăng từ 70 -100% so với những tháng bình thường và tăng 20-30% so với dịp Tết 2021.

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, ngành công thương thường mất 9 tháng để chuẩn bị cho mùa cao điểm như Tết.

Theo đó, các đoàn công tác của Sở Công Thương đã đến làm việc với các tỉnh cung ứng nguồn hàng cho TP. HCM để phục vụ người dân trong dịp Tết như Đồng Tháp, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bến Tre… và "chốt" xong các đơn hàng.

"Các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng Tết, có tinh thần vào cuộc rất quyết tâm. Ước tính, 80 doanh nghiệp tham gia bình ổn chuẩn bị 7.011 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết", ông Vũ nêu.

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/doanh-nghiep-tat-bat-chuan-bi-hang-tet-day-khi-the-post174800.html