Doanh nghiệp Thái Lan trước những cơ hội và thách thức từ RCEP

Từ ngày 1/1, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Đối với các doanh nghiệp Thái Lan, mặc dù hiệp định sẽ tạo cơ hội giúp tăng kim ngạch xuất khẩu, thu hút đầu tư, nhưng cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này.

RCEP được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan gia tăng. (Ảnh: Reuters)

RCEP được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan gia tăng. (Ảnh: Reuters)

Được ký kết ngày 15/11/2020 giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia, RCEP hiện là hiệp định thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới nếu xét tới tổng mức GDP của các nước thành viên. Với tổng mức dân số lên tới gần 2,3 tỷ người (chiếm 30,2% dân số thế giới), tổng giá trị GDP của 15 quốc gia thành viên RCEP năm 2020 đạt 28,5 nghìn tỷ USD (chiếm 33,6% GDP thế giới). Tổng giá trị thương mại trong RCEP năm 2020 vượt quá 10,7 nghìn tỷ USD, chiếm 30,3% tổng giá trị thương mại toàn cầu.

RCEP được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định này cũng giúp nâng cao môi trường kinh doanh thông qua các quy định liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp. Hiệp định cũng được trông đợi sẽ trở thành động lực giúp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực ASEAN vào năm 2022. Đến nay, RCEP đã được ít nhất 6 quốc gia ASEAN và 3 quốc gia bên ngoài khối phê chuẩn.

RCEP được thiết kế nhằm loại bỏ thuế của khoảng 91% các loại hàng hóa, đồng thời đặt ra các quy tắc tiêu chuẩn về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử cùng các hoạt động thương mại khác. Hiệp định cũng giúp tạo một thị trường chung giữa 15 quốc gia, giúp sản phẩm và dịch vụ của mỗi nước thành viên lưu thông dễ dàng hơn trong khu vực.

Đối với Thái Lan, lợi ích lớn nhất mà RCEP mang lại là kim ngạch xuất khẩu sẽ gia tăng nhờ hàng loạt hàng hóa được giảm hoặc miễn thuế. Theo ước tính của Bộ Thương mại Thái Lan, nước này sẽ có khoảng gần 40 nghìn loại hàng hóa được hưởng lợi từ việc giảm thuế. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 29.891 mặt hàng của Thái Lan sẽ được hưởng mức thuế suất bằng 0. Số còn lại sẽ được giảm thuế dần tới mức miễn thuế trong vòng từ 10 đến 20 năm tới. Đặc biệt, 3 nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc còn cam kết việc giảm hoặc hủy bỏ thuế hải quan đối với các lô hàng bổ sung của Thái Lan ngoài các lô hàng đã được thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do khác.

Theo đó, Trung Quốc dự kiến sẽ mở cửa thị trường của nước này cho 653 mặt hàng của Thái Lan sau cam kết ban đầu với 33 mặt hàng, thí dụ như hạt tiêu, dứa chế biến sẵn, nước dừa, ti vi, phụ tùng ô-tô và giấy. Các loại thuế đối với các mặt hàng như dứa, nước dứa, nước dừa hay cao-su nhân tạo, phụ tùng ô-tô, dây thép và cáp điện dùng trên ô-tô sẽ được giảm dần về mức 0% trong vòng từ 10 đến 20 năm tới. Còn Hàn Quốc cam kết giảm thuế hải quan đối với các loại trái cây tươi, khô và đông lạnh từ Thái Lan, 8 đến 50% hiện nay xuống còn 0% trong vòng từ 10 đến 15 năm tới. Tại thị trường Nhật Bản, các loại rau theo mùa vụ, dứa đông lạnh và hạt cà-phê rang của Thái Lan cũng sẽ được giảm thuế hải quan xuống còn 0% trong vòng 16 năm.

Ngoài lợi ích về xuất khẩu, RCEP còn giúp các doanh nghiệp Thái Lan cũng như các nước tăng cơ hội về thương mại dịch vụ và đầu tư bởi hiệp định này đã giảm hoặc loại bỏ các biện pháp ngăn chặn đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ và phi dịch vụ, thí dụ như các thủ tục xin giấy phép và kiểm định năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ.

Theo Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethumb, việc tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các quy định đầu tư không cần thiết sẽ giúp các nhà đầu tư Thái Lan thuận tiện hơn trong việc đầu tư tại các nước thành viên RCEP. Hiệp định này cũng sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Lan trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và công nghệ cao.

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội, RCEP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp Thái Lan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Ông Aat Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thương mại Quốc tế thuộc Trường Đại học Phòng Thương mại Thái Lan cảnh báo, khi RCEP có hiệu lực, các sản phẩm giá rẻ từ các nước thành viên sẽ tràn ngập thị trường Thái Lan và có thể có tác động tiêu cực tới các SME cũng như người nông dân nước này. Đặc biệt, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc, vừa đi vào hoạt động tháng 11 vừa qua, sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự xâm nhập của các loại hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc. Và hậu quả là, thâm hụt thương mại của Thái Lan, đặc biệt là thâm hụt thương mại với Trung Quốc, sẽ gia tăng.

Ông Aat cho rằng: “Các doanh nghiệp ở các tỉnh biên giới giữa Thái Lan và Lào sẽ chịu thiệt hại trực tiếp từ tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc. Nếu không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, họ có thể sẽ trở thành nhà phân phối đơn thuần các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc”.

Ngoài ra, ông Aat cũng bày tỏ lo ngại việc Thái Lan thiếu các quy định và biện pháp kiểm soát trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể khiến thâm hụt thương mại càng trở nên trầm trọng hơn. Ông nói: “Việc phần lớn hàng hóa bán qua mạng ở Thái Lan là hàng Trung Quốc có thể khiến thâm hụt thương mại của Thái Lan với Trung Quốc gia tăng. Chính phủ Thái Lan cần nhanh chóng thông qua các đạo luật về kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm bán qua mạng và xử lý các nền tảng trực tuyến bán các mặt hàng không đạt tiêu chuẩn”.

Ông kêu gọi chính phủ Thái Lan và khối tư nhân đẩy nhanh việc kết nối các dịch vụ hậu cần với các doanh nghiệp Lào và Trung Quốc để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa Thái Lan sang Trung Quốc. Nhà chức trách Thái Lan nên xem xét việc đàm phán thuê các toa hàng hóa trên tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc để tăng lượng xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Còn Chủ tịch Hội đồng vận chuyển quốc gia Thái Lan Chaichan Chareonsuk nhận định, các doanh nghiệp Thái Lan chắc chắn sẽ gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước thành viên RCEP, đặc biệt là các doanh nghiệp có bán các sản phẩm tương tự. Ông cho rằng các doanh nghiệp Thái Lan nên nhanh chóng nâng cấp chất lượng sản phẩm của mình và tận dụng tốt các ưu tiên về thương mại mà RCEP mang lại để tăng kim ngạch xuất khẩu.

NAM ĐÔNG (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/doanh-nghiep-thai-lan-truoc-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-tu-rcep-680814/