Doanh nghiệp tham gia vào logistics xanh

Xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó có dịch vụ logistics là vấn đề tất yếu của Việt Nam trong tiến trình tham gia vào hội nhập thế giới. Ứng dụng logistics xanh vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững…

Đại diện các doanh nghiệp tham quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam 2024 vừa được tổ chức đầu tháng 8. Ảnh:L.An

Đại diện các doanh nghiệp tham quan các gian hàng tại Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam 2024 vừa được tổ chức đầu tháng 8. Ảnh:L.An

Thời gian qua, Nhà nước cũng như các DN cung ứng dịch vụ đã có nhiều nỗ lực để từng bước hiện thực hóa logistics xanh.

Một trong những chủ đề trọng tâm

Đối với Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Logistics là một trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Theo đó, định hướng phát triển các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...

Theo các chuyên gia, với một nền kinh tế bền vững, kinh tế chuyển dịch theo cơ cấu xanh thì yêu cầu chuỗi cung ứng cũng phải phát triển xu hướng xanh. Để hình thành một chuỗi cung ứng xanh phải trải qua nhiều giai đoạn và logistics xanh là một trong số đó. Để xây dựng chuỗi cung ứng xanh, sau các công đoạn sản xuất xanh, sản xuất tiết kiệm, hạn chế ô nhiễm, sử dụng vật liệu xanh... thì logistics xanh là giai đoạn tiếp theo. Khi đó, DN xây dựng, áp dụng hệ thống vận tải xanh để đưa các sản phẩm xanh đến tay người tiêu dùng.

Các DN dịch vụ logistics mong muốn Nhà nước có thêm các chính sách như: ưu đãi về thuế, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải theo mô hình đa phương thức, xây dựng tín dụng carbon để kiểm soát khí thải nhà kính…

Tại Triển lãm Quốc tế logistics Việt Nam 2024 vừa được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, ngành logistics đóng vai trò quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, cũng như những biến động trên toàn cầu. Logistics phát triển còn góp phần đưa tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Không nằm ngoài xu thế chung, Đồng Nai cũng đang thu hút, phát triển dịch vụ thương mại, logistics để phục vụ các DN trên địa bàn. Lợi thế của Đồng Nai là có Sân bay quốc tế Long Thành chuẩn bị đi vào hoạt động, hệ thống đường giao thông, cao tốc liên vùng cũng như có cảng biển với năng lực bốc dỡ lớn đã được đầu tư. Tỉnh đang phấn đấu để đến năm 2030, sẽ trở thành cửa ngõ trung chuyển của cả miền Nam với hệ thống cơ sở hạ tầng năng động, toàn diện, linh hoạt bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, hàng hải. Với những lợi thế đó, kỳ vọng Đồng Nai sẽ là trung tâm logistics quốc tế.

Doanh nghiệp nỗ lực chuyển đổi

Khát vọng phát triển logistics xanh là câu chuyện lâu dài nhưng trước mắt, việc phát triển dịch vụ logistics chưa tương xứng với tiềm năng hiện có cũng như định hướng, mục tiêu đã đề ra. Cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ phát triển chậm và thiếu đồng bộ đang là điểm nghẽn khiến ngành logistics chưa phát triển như kỳ vọng.

Các DN dịch vụ logistics đa phần quy mô nhỏ, thiếu các “ông lớn”, trung tâm lớn, liên kết liên vùng chưa tốt; kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông trong vùng, giữa cảng biển, cảng hàng không, kho bãi, khu công nghiệp còn hạn chế; tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam còn cao (khoảng 18% GDP). Thực tế, trung bình mỗi container gánh khoảng 9 triệu đồng chi phí hạ tầng và DN Việt thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ép giá ở mức cao nhưng chưa có giải pháp xử lý cũng tạo thêm những gánh nặng về chi phí.

Khó khăn cũng là động lực đòi hỏi các DN dịch vụ phải thay đổi. Theo Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam Đào Trọng Khoa, nếu không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai DN sẽ giảm sức cạnh tranh. Từ đó, DN dần bị loại ra khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại, xuất - nhập khẩu trong nước và toàn cầu.

Công ty CP Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (Thành phố Hồ Chí Minh), DN ra mắt VELA (One-Stop Logistics Platform) có ưu điểm nổi bật là tích hợp tất cả các dịch vụ logistics (thủ tục hải quan, kho vận, vận tải quốc tế và vận tải nội địa) vào một nền tảng logistics số duy nhất.

Theo Giám đốc Điều hành VELA Bryan Tuyền, nền tảng số này giúp mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành logistics. DN luôn hướng tới sự phát triển bền vững cho toàn ngành logistics Việt Nam.

Tương tự, Tại Công ty CP Thông Quan (thành phố Biên Hòa), DN đang nỗ lực phấn đấu để trở thành công ty cung cấp giải pháp logistics hàng đầu được khách hàng bình chọn, yêu thích.

Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc công ty, cho hay công ty đã thành lập thêm các chi nhánh và công ty trực thuộc, mở rộng dịch vụ và xây dựng chuỗi logistics khép kín. Để phát triển bền vững, DN cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thương mại điện tử.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/doanh-nghiep-tham-gia-vao-logistics-xanh-1ba6836/