Doanh nghiệp thành phố Yên Bái nỗ lực bứt phá

Những năm gần đây, gần 1.300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Yên Bái đã nỗ lực tìm giải pháp, vượt khó vươn lên duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp đã áp dụng nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi, thu hút đầu tư vào sản xuất.

Sản phẩm bao bì xuất khẩu của Công ty TNHH Trường Phát.

Sản phẩm bao bì xuất khẩu của Công ty TNHH Trường Phát.

Vốn là một cửa hàng nhỏ kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Âu Lâu, qua quá trình kinh doanh, năm 2014, chị Nguyễn Thị Thủy - chủ doanh nghiệp tư nhân Hà Thủy Anh đã mạnh dạn đầu tư mở một xưởng sản xuất gạch không nung tại Cụm công nghiệp Âu Lâu. Đây cũng phù hợp với chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường để hướng tới sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

Chị Hà Thủy Anh cho biết, Doanh nghiệp của chị đã được hỗ trợ kinh phí từ Dự án khuyến công của tỉnh. Với diện tích đất trên 2 ha, chị đã xây dựng khu nhà xưởng sản xuất gạch với trên 700 m2 và đầu tư dây chuyền sản xuất gạch nung công nghệ hiện đại nhất ở thời điểm lúc bấy giờ. Đồng thời, đầu tư hệ thống xe chuyên dụng như xe nâng, máy xúc lật, xe cẩu tự hành và 7 xe ô tô chuyên chở.

Nhờ sản xuất có uy tín, chất lượng nên sản phẩm gạch không nung của doanh nghiệp ngày càng được nhiều người biết đến; sản phẩm của Doanh nghiệp đã góp mặt xây dựng nhiều công trình lớn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn sản xuất các sản phẩm như ống cống, tấm bản bê tông, đồ ngũ kim sơn...

Tuy nhiên, do mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp nên phần nào đã ảnh hưởng đến sản xuất của Doanh nghiệp. Doanh thu của Doanh nghiệp trung bình mỗi năm đạt gần 7 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động và gần chục lao động thời vụ khác. Người lao động rất phấn khởi và yên tâm gắn bó lâu dài với Doanh nghiệp.

Còn Công ty TNHH Trường Phú đóng tại Cụm công nghiệp Đầm Hồng, từ năm 2004 khi mới thành lập cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn, sự cạnh tranh trên thị trường khốc liệt. Với diện tích nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Đầm Hồng trên 2.500 m2 chuyên sản xuất và kinh doanh tôn lạnh, tôn xốp 3 lớp và các loại ống hộp mạ kẽm, Công ty đã từng bước đầu tư, hoàn thiện hệ thống máy móc để phát triển sản xuất; đồng thời, đầu tư mở thêm xưởng may bao bì.

Ông Đỗ Vi Thượng - Giám đốc Công ty cho hay, có những thời điểm, lĩnh vực xây dựng có nhiều khó khăn dẫn đến thị trường vật liệu tôn xốp, mạ kẽm cũng hạn chế, Công ty phải giảm bớt lao động, cắt giảm tối đa chi phí để duy trì sản xuất. Song, với sự năng động, quyết tâm của người đứng đầu, Công ty đã đầu tư mở thêm xưởng may bao bì xuất khẩu duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Năm 2023 vừa qua, Công ty đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Những tháng đầu năm 2024, thị trường xuất khẩu tiếp tục có dấu hiệu khả quan, hứa hẹn một năm sản xuất thắng lợi, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động.

Thực tế cho thấy, với gần 1.300 doanh nghiệp hoạt động, thời gian qua cùng với những khó khăn chung của tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, chủ yếu về nguồn vốn, giá nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên, đẩy mạnh cải tiến sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường, duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Ngay như Công ty TNHH TN Yên Bái có địa chỉ tại tổ 10, phường Đồng Tâm, từ thành công của thương hiệu sản phẩm Trà táo mèo Mù Cang Chải Nga Trương đạt OCOP 3 sao, đến nay doanh nghiệp này đã có 6 sản phẩm được công bố nhãn hiệu bản quyền và đang xây dựng sản phẩm theo công nghệ. Doanh thu trung bình mỗi tháng của Công ty trên 100 triệu đồng, riêng trong những tháng đầu năm đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 10 nghìn sản phẩm các loại.

Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, về phía thành phố luôn tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự lành mạnh, thuận lợi cho doanh nghiệp; sẵn sàng gặp gỡ trao đổi, chia sẻ với doanh nghiệp thông qua các kênh thông tin như: Chương trình "Gặp mặt doanh nghiệp”, "Cà phê doanh nhân”. Nhờ đó trong năm 2023 vừa qua, khối doanh nghiệp của thành phố đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt 266 tỷ đồng, chiếm 48% tổng thu cân đối của địa phương; góp phần cùng thành phố giải quyết việc làm cho 22 nghìn lao động.

Hiện nay, thành phố Yên Bái chú trọng tập trung thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, đầu tư của trung ương, của tỉnh và thành phố nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn; làm tốt công tác phối hợp, đào tạo nghề cho lao động, tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư mới. Đây sẽ là tiền đề để thành phố phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024.

Minh Chín (Trung tâm TT&VH thành phố Yên Bái)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/326954/doanh-nghiep-thanh-pho-yen-bai-no-luc-but-pha-.aspx