Doanh nghiệp thép cần đầu mối hướng dẫn thực thi Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon
Thép là một trong 6 ngành hàng chịu tác động đầu tiên từ Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU. Ngoài việc chủ động chuyển đổi sản xuất, doanh nghiệp rất cần đầu mối hướng dẫn để thực thi cơ chế này hiệu quả.
EU - thị trường tỷ USD của ngành thép Việt
Xuất khẩu thép sang EU bứt tốc mạnh mẽ trong những năm gần đây, song hành với sự đầu tư mở rộng năng lực sản xuất trong nước và cú hích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Sau khi EVFTA có hiệu lực (tháng 8/2020), thép Việt liên tục mở rộng thị phần xuất khẩu sang EU. Năm 2021, EU trở thành thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành thép, với kim ngạch xấp xỉ 2 tỷ USD.
Trong 4 thị trường xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành thép, EU là thị trường có mức tăng mạnh cả về khối lượng lẫn trị giá. Riêng năm 2023, ngành thép xuất khẩu sang EU 2,55 triệu tấn, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 86,2% về lượng và 29% về trị giá, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay: “Năm 2023 nước ta sản xuất được 20 triệu tấn thép thô. Với sản lượng này, Hiệp hội Thép thế giới đã xếp ngành thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản xuất thép thô, đứng đầu châu Á và Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Tuy nhiên, việc áp dụng CBAM từ đầu 2026 của EU sẽ gây tác động tiêu cực đến các chỉ số tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu của ngành, trong đó, các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn mà chưa có sự chuyển đổi sản xuất kịp thời sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Cụ thể, EU sẽ áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm như thép, xi măng và điện, dựa trên lượng khí thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có thể giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM. Nhu cầu giảm kéo theo sản lượng giảm khoảng 0,8%, cùng với tác động bất lợi về khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn và rất quan trọng của ngành thép, do đó, chúng tôi liên tục tìm hiểu và đưa thông tin về CBAM vào bản tin hằng tháng của Hiệp hội nhằm giúp doanh nghiệp hình dung được cơ chế này sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp thép Việt Nam sang thị trường EU”, ông Thái nói.
Để xoay chuyển sản xuất trước yêu cầu mới, nhiều doanh nghiệp thép đã và đang tiến hành các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, cố gắng áp dụng những giải pháp kỹ thuật trong vận hành sản xuất để giảm phát thải. Tuy nhiên, do sản xuất thép vẫn sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, nên lượng phát thải khí CO2 ra môi trường rất lớn.
Doanh nghiệp cần đầu mối hướng dẫn
Chỉ còn hơn 1 năm nữa, CBAM sẽ chính thức được áp dụng với một số sản phẩm công nghiệp, như phân bón, xi măng, thép… xuất khẩu sang EU.
Theo đó, các doanh nghiệp thép bắt buộc phải mua chứng chỉ phát thải CBAM từ năm 2026. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí, khiến sản phẩm khó cạnh tranh nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất.
Điều đáng nói là, phạm vi áp dụng CBAM đang có xu hướng nới rộng. Theo thông tin từ Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), không riêng EU thực hiện CBAM, mà tới đây, một số quốc gia cũng tính chuyện áp dụng cơ chế này, điển hình là Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Canada - những thị trường xuất khẩu rất lớn của nước ta.
“CBAM không chỉ khiến các ngành sản xuất Việt Nam quan ngại, mà nhiều thành viên WTO cũng vậy, kể cả các đối tác lớn như Trung Quốc, Indonesia, Nam Phi, Ấn Độ. Do đó, bên cạnh nhiệm vụ phải chuẩn bị sẵn sàng chuyển đổi sản xuất để thích ứng, vẫn phải tiếp tục đấu tranh để có những cam kết, quy định linh hoạt, tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên chia sẻ.
Trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi sản xuất để cắt giảm phát thải với ngành thép được nhận định là rất lớn. “Thép là ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ với chi phí đầu tư cao. Ngành thép kỳ vọng được hỗ trợ ban đầu về tư vấn, công nghệ kỹ thuật, vốn từ các quỹ tín dụng xanh…”, ông Thái bày tỏ.
Gợi mở lộ trình thích ứng, bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM nhấn mạnh, cần có cơ quan đầu mối hướng dẫn doanh nghiệp, tránh việc mất nhiều công sức để chuẩn bị, nhưng có thể lãng phí, không hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu của CBAM từ EU.
“Quan trọng là phải bám sát lộ trình thực hiện CBAM của EU, tùy theo điều kiện về tài chính, nguồn lực để doanh nghiệp xác định lộ trình phù hợp nhất và hiệu quả nhất để ứng phó với CBAM...”, bà Loan lưu ý.