Doanh nghiệp thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì buông lỏng quản lý

Trong mối quan hệ công ty mẹ - con, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì cán bộ của mình hợp thức hóa sai phạm để hạch toán tiền không đúng quy định…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty Xuất khẩu lao động Hàng hải (viết tắt là MMS).

Các bị cáo hầu tòa: Nguyễn Quang Ngữ (SN 1957), Phạm Thế Tài (SN 1975, cựu Phó Trưởng phòng Phòng Tài chính kế toán), Nguyễn Thị Tươi (SN 1979, cựu Phó giám đốc kiêm Trưởng văn phòng Hà Nội).

Cáo trạng thể hiện, MMS trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hạch toán phụ thuộc và chịu sự ràng buộc về nghĩa vụ, quyền lợi với Vinalines. MMS được Vinalines ủy quyền thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thu tiền dịch vụ, tiền môi giới và tiền ký quỹ của người lao động.

Theo ủy quyền, ông Nguyễn Quang Ngữ - giám đốc MMS được đại diện cho Vinalines ký kết hợp đồng và các văn bản liên quan đến việc đưa người lao động đi làm việc nước ngoài.

Còn Văn phòng Hà Nội có nhiệm vụ phát triển lĩnh vực kinh doanh của công ty, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Theo quy định, mức phí tối đa đi Nhật Bản là 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; 1.200 USD/người/hợp đồng/1 năm. Tuy nhiên, các bị cáo đã thu tiền của thực tập sinh vượt quy định từ 4.500 USD – 5.500 USD/1 thực tập sinh.

Cáo trạng thể hiện, lợi dụng chức vụ là giám đốc MMS, từ năm 2014, Ngữ giao cho Văn phòng Hà Nội tuyển sinh, đào tạo tiếng Nhật và làm dịch vụ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản thông qua hợp đồng thuê khoán.

Thực hiện hợp đồng trên, từ tháng 6/2014 đến tháng 3/2017, MMS có 54 tờ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục Quản lý lao động ngoài nước và đều nhận được phiếu trả lời đồng ý để MMS thực hiện hợp đồng đã đăng ký.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 7/2017, Văn phòng Hà Nội đã tuyển dụng, ký hợp đồng đưa 1.129 thực tập sinh đi làm việc tại Nhật Bản với 3 mức phí là 1.500 USD/thực tập sinh, 400 USD/thực tập sinh, 620 USD/thực tập sinh.

Tổng số tiền thu của 1.129 thực tập sinh là hơn 23,2 tỷ đồng. Theo Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản, chi phí vé máy bay khứ hồi cho thực tập sinh tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng do phía tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản chi trả.

Thông qua Văn phòng Hà Nội, từ năm 2014-2016, Ngữ đã ký 539 hợp đồng với mức phí 1.500 USD/thực tập sinh. Thực tế, MMS chỉ thu 400 USD/thực tập sinh, số tiền còn lại là 1.100 USD/1 người Văn phòng Hà Nội được sử dụng. MMS phải hoàn thiện chứng từ để hợp thức, hạch toán trên sổ sách, trong đó, Văn phòng Hà Nội chi phí 1.100 USD/1 người vào các khoản như thuê nhà, đào tạo tiếng Nhật, chi lương thưởng, thù lao…

Cơ quan tố tụng cho rằng với chức vụ là giám đốc MMS, ông Ngữ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn ký hợp đồng giao khoán với Nguyễn Thị Tươi, không báo cáo với Vinalines, thống nhất với Phạm Thế Tài đưa chi phí vé máy bay cho thực tập sinh vào hạch toán sai quy định, buông lỏng quản lý để Tươi và Tài không nộp đủ tiền về quỹ của MMS, gây thiệt hại hơn 12,3 tỷ đồng cho Vinalines và MMS. Hiện ông Ngữ đã bồi thường thiệt hại cho sai phạm gây ra.

Quá trình điều tra, Tươi thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên của Văn phòng Hà Nội chuyển tiền mua vé máy bay cho thực tập sinh vào hai tài khoản cá nhân của Phạm Thế Tài. Sau đó, Tài rút tiền mặt và đưa cho thủ quỹ của MMS.

Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định tách hành vi thu tiền của thực tập sinh đi lao động tại Nhật Bản vượt quy định để điều tra, xác minh làm rõ sau.

Do có một số tình tiết chưa được làm rõ nên tòa án quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 1 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-15 năm tù.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-thiet-hai-hang-chuc-ty-dong-vi-buong-long-quan-ly.htm