Doanh nghiệp thủy sản đề xuất gói tín dụng ưu đãi 10 nghìn tỷ đồng
Để giúp xuất khẩu thủy sản vượt qua khó khăn, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Thủ tướng hàng loạt giải pháp, trong đó đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp.
Hồi phục dần từ quý 3
Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản năm 2023” sáng 13.4 tại Trụ sở Chính phủ, Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt kỷ lục 11 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Quý 1.2023, xuất khẩu sụt giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,8 tỷ USD và giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Nguyên nhân do lạm phát khiến nhu cầu tiêu thụ giảm ở hầu hết các thị trường, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp giảm từ 20-50%, tồn kho tăng. Sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại, người dân, doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất nguyên liệu tăng cao trong khi thủy sản Việt Nam đang bị áp lực cạnh tranh về nguồn cung và giá bán với các nước Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia tại các thị trường lớn. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản khai thác gặp nhiều khó khăn để xuất khẩu được lô sản phẩm hải sản khai thác vào châu Âu (EU) do còn nhiều bất cập theo quy định thẻ vàng IUU.
Dự báo, xuất khẩu thủy sản chỉ có thể hồi phục dần từ quý 3. Tập trung lớn nhất của ngành là sản xuất, chế biến trong nước phải sẵn sàng nguồn cung ứng ngay khi thị trường hồi phục.
Tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính
Theo VASEP, ngoài nỗ lực của Hiệp hội và doanh nghiệp thì động lực lớn nhất để ngành thủy sản phục hồi chính là sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét để sớm có một chương trình kích cầu cho nông, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Nếu thị trường vẫn không tốt, đề xuất có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp (bằng với mức vay ngoạitệ) cho doanh nghiệp thủy sản vay, thu mua và trữ nguyên liệu.
Đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% để hỗ trợ cho doanh nghiệp; cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý 1 và 2.2023; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.
Cùng với đó, Hiệp hội đề nghị tiếp tục duy trì một số chính sách giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp bao gồm: các chính sách miễn, giảm, thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023. Kiến nghị Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng, nghiên cứu sửa đổi, đề xuất mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương. Xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản. Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y.
Để khơi thông và phát triển thị trường, VASEP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng với VASEP triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho trước hết 3 sản phẩm chủ lực của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ, bắt đầu từ Quý 4 tới. Quan tâm cho xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm với mục tiêu tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Chính phủ rà soát và làm việc với Chính Phủ Hàn Quốc xem xét việc bãi bỏ quota nhập khẩu tôm từ Việt Nam…
Trước mắt, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh ven biển quyết liệt chỉ đạo gỡ thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC), ưu tiên lớn nhất là không còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Về lâu dài quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá trong khai thác. Quan tâm xử lý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.