Doanh nghiệp thủy sản đề xuất tháo gỡ vướng mắc về chính sách
Từ đầu năm 2020 đến nay, Vasep đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về bất cập của quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu.
Thủy sản là lĩnh vực được được Chính phủ đặc biệt quan tâm và xác định là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản về mặt chính sách, quy định ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đây là ý kiến của nhiều doanh nghiệp tại “Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, rào cản hành chính trong quy định hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu dành cho doanh nghiệp thủy sản” do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) phối hợp Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 17/9.
Ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vasep thông tin, ngành thủy sản Việt Nam có gần 700 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở sản xuất gia đình quy mô nhỏ gắn liền với sinh kế của hàng triệu nông dân, ngư dân trên toàn quốc. Trong hơn 20 năm qua, các doanh nghiệp trong hiệp hội đã nỗ lực không ngừng để đưa Việt Nam vươn lên trở thành Top 3 quốc gia sản xuất và cung ứng thực phẩm thủy sản hàng đầu thế giới với nhiều mặt hàng có giá trị và uy tín cao như tôm, cá tra, cá ngừ. Thủy sản cũng nằm trong nhóm 10 ngành hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.
Lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam là được Chính phủ, ngành nông nghiệp quan tâm với các mục tiêu và kế hoạch phát triển lớn. Các doanh nghiệp thủy sản đều chủ động đầu tư phát triển công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm có giá trị cao và không ngừng mở rộng thị trường.
Ngoài ra, với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, mặt hàng thủy sản được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên theo ông Trương Đình Hòe, vẫn còn rất nhiều bất cập trong các văn bản, quy định, thủ tục hành chính áp dụng cho ngành thủy sản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản chung của cả nước.
Ghi nhận của Vasep, từ đầu năm 2020 đến nay, Hiệp hội đã nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp về bất cập của quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu liên quan đến Nghị định 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007.
Theo đó, doanh nghiệp sử dụng mã số mã vạch nước ngoài in trên bao bì hàng hóa khi xuất khẩu phải có giấy ủy quyền sử dụng mã số mã vạch từ doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó là giấy xác nhận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
“Trên thực tế, quy định này đưa ra không có căn cứ pháp lý trong Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 cũng như không có quy định tương tự tại nhiều quốc gia đang có quan hệ thương mại với Việt Nam. Bên cạnh đó, thủ tục này hiện làm bằng hồ sơ giấy, chưa triển khai đăng ký qua mạng gây tốn kém thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp.”, ông Hòe nhấn mạnh.
Bất cập khác là, trong thủ tục hành chính là việc nộp thuế phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công, sản xuất, xuất khẩu cho hai cơ quan quản lý nhà nước về thuế của Bộ Tài chính. Theo các doanh nghiệp, trước đây cả thuế phế liệu phế phẩm dư thừa và thuế thu nhập doanh nghiệp đều được nộp cho chi cục thuế địa phương. Nhưng, từ tháng 6/2018 đến nay, các loại thuế này nộp cho cơ quan hải quan, trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn nộp cho chi cục thuế địa phương.
"Chính vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài Chính xem xét sửa đổi các văn bản liên quan theo hướng cho phép doanh nghiệp kê khai và nộp tất cả khoản thuế liên quan đến phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa đối với hàng gia công, sản xuất xuất khẩu cho cơ quan thuế nội địa. Điều này giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian phát sinh không cần thiết cho doanh nghiệp, cũng là giảm lãng phí các nguồn lực chung của xã hội", một doanh nghiệp nêu quan điểm.
Một vấn đề khác được nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản phản ánh là việc xác định sản phẩm “sơ chế” và “chế biến” trong ngành thủy sản chưa được rõ ràng, cụ thể gây bất lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, đến nay chưa có định nghĩa rõ ràng để phân biệt thủy sản sơ chế và chế biến nên rất nhiều trường hợp cơ quan thuế mặc định áp thuế thu nhập doanh nghiệp thủy sản là 20% trong khi quy định thuế thu nhập doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ là 0 - 15% (tùy địa điểm đặt nhà máy).
Bà Đỗ Thị Việt Hoa, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty thủy sản Việt Nam chia sẻ, công ty có một nhà máy chế biến đặt tại Cà Mau là khu vực kinh tế khó khăn, thuộc diện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên mới đây công ty nhận được thông tin phải đánh giá lại mức thuế thu nhập doanh nghiệp vì sản phẩm của nhà máy là sơ chế chứ không phải chế biến.
Theo thông tin từ cơ quan thuế thì nếu kết luận đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp là sơ chế thì công ty sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% và phải nộp cả khoản truy thu chênh lệch của những năm trước. Đó là khoản tiền rất lớn đối với doanh nghiệp trong khi việc xác định sản phẩm là sơ chế hay chế biến lại không có cơ sở rõ ràng chính là bất lợi lớn cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành văn bản mang tính pháp quy xác định rõ các tiêu chí công nhận mặt hàng thủy sản chế biến. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính công nhận các hoạt động chế biến sản phẩm tươi sống để xuất khẩu, chế biến sản phẩm tươi sống thành sản phẩm chín, chế biến từ nguyên liệu có pha trộn gia vị phụ liệu để ra hàng giá trị gia tăng đều được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo Thông tư 96/2015/TT-BTC”, bà Hoa kiến nghị.
Theo các doanh nghiệp, quá trình xây dựng, ban hành, điều chỉnh các chính sách của các Bộ, ngành cần lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp để đánh giá tác động cũng như tính khả thi.
Mặt khác, các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong việc đưa ra các văn bản, chính sách. Quản lý nhà nước là cần thiết nhưng cần dựa trên nguyên tắc quản trị rủi ro, vừa đảm bảo vai trò quản lý của cơ quan chức năng vừa tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước./.