Doanh nghiệp thủy sản kỳ vọng xuất khẩu phục hồi từ quý 2 năm 2023

Các doanh nghiệp cho rằng có những tín hiệu lạc quan trong thời gian tới và kỳ vọng xuất khẩu sẽ từng bước phục hồi đà tăng trưởng từ quý 2/2023.

Chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu tại Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của các tháng cuối năm 2022 cộng thêm việc trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng vẫn có những tín hiệu lạc quan trong thời gian tới và kỳ vọng xuất khẩu sẽ từng bước phục hồi đà tăng trưởng từ quý 2/2023.

Cụ thể, tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%, riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chính trong tháng 1/2023 đều giảm mạnh, đáng chú ý thị trường Mỹ giảm 56%, Trung Quốc giảm 55%, EU giảm 35%...

Theo Vasep, tuy năm 2022 xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục với 11 tỷ USD nhưng đó là kết quả thành công của 3 quý đầu năm liên tục tăng trưởng dương ở mức cao từ 34 -46% so với cùng kỳ năm trước.

Từ quý 4/2022, xu hướng xuất khẩu đã đảo chiều sang tăng trưởng âm hơn 9% và giảm sâu ở tất cả các ngành hàng do tác động của lạm phát ở các thị trường.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo chưa có nhiều cải thiện.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thủy sản sẽ không sụt giảm quá sâu và sẽ dần phục hồi trở lại.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Sông Tiền, phân tích thủy sản là một trong những mặt hàng thực phẩm thiết yếu chỉ sau lương thực nên dù bối cảnh nào thì người tiêu dùng cũng cần sử dụng đến.

Sản phẩm tôm là 1 trong 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD trong năm 2022. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Sản phẩm tôm là 1 trong 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỷ USD trong năm 2022. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, thu nhập eo hẹp thì họ sẽ có điều chỉnh phân khúc sản phẩm phù hợp theo túi tiền, đặc biệt làtrung bình đang bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.

Các sản phẩm bình dân, có giá cả phải chăng như cá tra của Việt Nam sẽ có lợi thế hơn các sản phẩm phân khúc cao khác.

"Tình trạng sụt giảm đơn hàng thủy sản đã kéo dài từ đầu quý 4/2022, nhiều nhà nhập khẩu đã ngưng đơn từ 4-5 tháng thì lượng hàng tồn kho hiện tại cũng sắp cạn. Vì vậy, dự báo đến cuối quý 1 hoặc đầu quý 2 năm nay các khách hàng sẽ phải nhập hàng mới, tình hình đơn hàng sẽ được cải thiện ít nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng khả quan trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông để cải thiện đơn hàng," bà Nguyễn Thị Ánh chia sẻ thêm.

Các chuyên gia thị trường nhận định những rủi ro trong năm 2023 như nguy cơ leo thang chiến tranh ở Ukraine và sự xuất hiện của cuộc chiến thương mại mới có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn.

Bối cảnh trên vừa là thách thức nhưng cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU...

Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa sau thời gian dài áp dung "Không Covid" mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới khi hoạt động du lịch và giao thương được thông suốt.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, cho biết các doanh nghiệp đều đang kỳ vọng nhu cầu thị trường sẽ được cải thiện và xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng từ quý 2/2023. Theo kịch bản khả quan đó, xuất khẩu thủy sản năm 2023 có thể mang về 10 tỷ USD.

Để hướng tới mục tiêu đó, thời điểm này, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo năng lực tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng ngay.

Cụ thể, cần chủ động trong vấn đề nguyên liệu, sản xuất và đánh giá tình hình vì mặt hàng thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, nếu không chủ động sẽ lỗi nhịp về cơ hội khi thị trường phục hồi.

Các doanh nghiệp cũng phải linh hoạt chuyển đổi quy trình và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm kịp thời với xu hướng tiêu dùng mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường và gia tăng xuất khẩu.

"Song song đó, doanh nghiệp cần chuyển dịch chiến lược phát triển bền vững trên cơ sở tập trung cho sản xuất xanh nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn... về môi trường cũng như trách nhiệm xã hội, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu trong vấn đề tiêu dùng và nhập khẩu của các quốc gia phát triển. Việc theo đuổi chiến lược này tạo hiệu ứng tích cực về lợi thế cạnh tranh lâu dài hơn cho các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam," ông Trương Đình Hòe khuyến nghị./.

Xuân Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/doanh-nghiep-thuy-san-ky-vong-xuat-khau-phuc-hoi-tu-quy-2-nam-2023/843914.vnp