Doanh nghiệp thủy sản xanh

TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt NamBây giờ chữ 'xanh' xuất hiện khá phổ biến, thậm chí là thịnh hành. Kinh tế xanh, xã hội xanh, môi trường xanh, doanh nghiệp xanh, bảo hiểm xanh… Có cả phế liệu xanh và chắc chắn sẽ có an toàn xanh… Xanh không chỉ là xu thế, còn là tất yếu. Cho nên doanh nghiệp thủy sản xanh cũng là hướng chọn lựa tốt nhất cho sắp tới đây.

Không nói chung chung, mỗi ngành muốn xanh phải nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí cụ thể. Tiêu chí doanh nghiệp xanh có gì quá lớn lao không? Chúng ta tham khảo các tiêu chí chủ yếu của ngành may, đó là: chú trọng năng lượng tái tạo; tăng hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng; tái chế và tuần hoàn; công nghệ mới sử dụng tối ưu nguyên liệu… Thực tế các tiêu chí trên còn kèm theo các con số cụ thể, thí dụ sử dụng điện tái tạo phải từ 30% nhu cầu.

Từ các tiêu chí trên, đối chiếu thực tế cho thấy sự chuẩn bị tầm vĩ mô có những nội dung chưa theo kịp tình hình. Mặt khác khả năng theo đuổi “doanh nghiệp xanh” của các doanh nghiệp chúng ta còn nhiều hạn chế. Tầm vĩ mô chưa có các hướng dẫn cần thiết, tầm vĩ mô là hạn hẹp tài chính vì quy mô sản xuất không lớn.

Trở lại các doanh nghiệp thủy sản. Giả sử tạm lấy các tiêu chí ngành may ứng dụng cho mình, thiết nghĩ vì đây là các tiêu chí cơ bản phát triển bền vững, doanh nghiệp nào theo đuổi “doanh nghiệp xanh” đều phải vượt qua. Riêng ngành thủy sản chắc còn thêm tiêu chí bảo vệ môi trường, cân bằng phát thải… Thời gian qua, phong trào làm điện áp mái khá phổ biến. Điều này góp phần vào tỷ lệ sử dụng điện tái tạo. Phần cần bù thêm để đạt tiêu chí phải giải quyết ở sự chuẩn bị tầm vĩ mô. Bộ Công thương rất quan tâm vấn đề này khi điện tái tạo được chú ý chỉ tiêu tăng trưởng và đồng bộ là hệ thống kết nối.

Việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đã được các doanh nghiệp thủy sản chú trọng trong gần 20 năm qua thông qua các chương trình sản xuất sạch, chú trọng nhất là tiết kiệm điện và nước. Việc tiết kiệm nước cũng nằm trong tiêu chí thứ tư là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Ở tiêu chí ba, tái chế và tuần hoàn, các doanh nghiệp thủy sản đang thực hiện khá tốt. Phụ phẩm cá tôm trở thành nguyên liệu để tiếp tục sản xuất ra các sản phẩm hữu ích, không để phụ phẩm gây tác hại môi trường mà còn tạo ra giá trị nâng cao hiệu quả hoạt động. Bao bì thủy sản cũng dễ tái chế vì chỉ là giấy và nhựa, góp phần giảm rác thải ra môi trường.

Tuy nhiên, điểm cũng cần lưu ý thêm, doanh nghiệp xanh vẫn chưa đủ, cần cả chuỗi giá trị xanh, bởi các mắt xích trong chuỗi giá trị có liên quan mật thiết nhau và ảnh hưởng nhau không nhỏ. Thí dụ ngành may Bangladesh có lợi thế là họ có doanh nghiệp sợi, doanh nghiệp dệt xanh. Chuỗi giá trị của họ hoàn chỉnh, trong khi chúng ta chỉ tập trung doanh nghiệp may. Trở lại doanh nghiệp thủy sản, đòi hỏi các doanh nghiệp trong chuỗi phải xanh đồng bộ. Các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, chế phẩm nuôi, các cơ sở nuôi phải đều có tiêu chí cụ thể để thực hiện và thống nhất trong cả chuỗi. Nếu đáp ứng được đòi hỏi này chắc chắn sẽ tăng sức cạnh tranh mạnh mẽ cho ngành thủy sản chúng ta.

Cũng nói thêm, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có bộ tiêu chí doanh nghiệp bền vững (CSI), là nền tảng để trở thành doanh nghiệp xanh. Các doanh nghiệp thủy sản có thể đi theo hướng thực hiện bộ tiêu chí này sẽ sớm đạt kỳ vọng thay vì chờ đợi bộ tiêu chí riêng của ngành.

Nói gì thì nói, trên đây chỉ là suy nghĩ hướng đi tất yếu của ngành và còn chờ đợi các chuẩn mực cụ thể được ban hành. Nhưng sớm nhận thức và có tâm thế chuẩn bị sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và đạt chuẩn doanh nghiệp xanh sau này. Mọi sự chuẩn bị cho lâu bền đều không thừa, nhất là khi bài học từ ngành may là lời nhắc nhở, cảnh báo hết sức thiết thực.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/doanh-nghiep-thuy-san-xanh-i313685/