Doanh nghiệp tìm cách sống chung với dịch

Sự trở lại của Covid-19 cho thấy thực tế tình hình kinh doanh không thể phục hồi hoàn toàn như trước, ít nhất trong ngắn và trung hạn, buộc doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi.

Hơn 3 năm qua, 90s homestay thu hút lượng lớn khách du lịch đến khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với tỷ lệ lấp đầy thường trên 90%. Tuy nhiên, sức hút này không thể giúp doanh nghiệp tránh khỏi “cơn lốc” Covid-19, khi gần như toàn hệ thống khoảng 100 phòng ở 2 khu homestay phải bỏ không vì cách ly toàn xã hội.

Vài tháng gần đây, tình hình kinh doanh đang trên đà hồi phục thì dịch bệnh quay trở lại. Dòng tiền chưa ổn định mà doanh thu lại tiếp tục sụt giảm đến 50%.

“Hồi đầu năm, chúng tôi còn bảo nhau gắng gượng rồi dịch sẽ qua, mọi thứ về lại như cũ. Nhưng bây giờ, chúng tôi xác định đó là điều không thể. Đã đến lúc tính đến trường hợp xấu nhất”, ông Phạm Dương, Giám đốc Vận hành 90s Homestay chia sẻ.

Chuyển sang mô hình kinh doanh ít vốn, hợp thời

Vị này cho biết, với định hướng phát triển thành chuỗi homestay, doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất ở các khu vực khác tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và một số vùng khác như Mộc Châu, Tà Xùa (Sơn La).

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh hiện nay, ông nhận thấy lưu trú là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh, trong khi chi phí đầu tư ban đầu quá cao.

Do đó, 90s homestay quyết định chuyển sang xây dựng khu chụp ảnh, trước mắt thử nghiệm tại 2 khu vực ở Tam Đảo. Ý tưởng được cho là đáp ứng nhu cầu của du khách ngày nay. Bên cạnh đó, khoản đầu tư ban đầu thấp, chi phí vận hành chỉ khoảng vài chục triệu đồng/tháng, phù hợp với tình hình tài chính trong bối cảnh dịch bệnh.

Doanh nghiệp tính toán, kể cả khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vẫn có thể hoàn vốn sau khoảng 2 năm.

 Một góc trong khu chụp ảnh vừa hoàn thiện của 90s homestay. Ảnh: NVCC.

Một góc trong khu chụp ảnh vừa hoàn thiện của 90s homestay. Ảnh: NVCC.

Cũng tìm kiếm mô hình mới để “sống chung” với dịch, Công ty thực phẩm Đại Phát (chuyên xuất khẩu thực phẩm đông lạnh và vận hành chuỗi cửa hàng bánh Đại Phát Bakery) lựa chọn xây dựng cửa hàng trải nghiệm. Tại đó, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, chế biến ở không gian bếp và thưởng thức ngay tại chỗ.

Ông Hứa Ngọc Lâm, tổng giám đốc, cho biết dịch Covid-19 khiến doanh số mảng bánh ngọt trong nước và thực phẩm đông lạnh xuất khẩu đều sụt giảm nặng nề. Trước diễn biến phức tạp trên toàn cầu của dịch bệnh, ông cho rằng thị trường nội địa có thể là giải pháp bền vững, nếu tìm ra công thức nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Do đó, bên cạnh việc đầu tư tìm hiểu thị hiếu khách hàng và mở rộng kênh phân phối trên các trang thương mại điện tử, cửa hàng trải nghiệm vừa đưa vào hoạt động có thể giúp người tiêu dùng hiểu hơn về sản phẩm và thông điệp mà doanh nghiệp truyền tải.

Tạo doanh số bằng mọi cách

Một hướng đi mới cũng khá phổ biến hiện nay là chia sẻ mặt bằng, nhằm tối ưu diện tích sử dụng.

“Chúng tôi kinh doanh đã lâu nhưng chưa bao giờ chịu áp lực về mặt bằng, vì chỉ bán từ chiều đến tối đã có thể chi trả đầy đủ. Đến đợt dịch này thì khác, bị 'đánh' rất mạnh, cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp”, ông Lê Văn Minh Lộc, Giám đốc Marketing của PACC, chủ chuỗi nhà hàng Ba Gác và nhiều thương hiệu F&B khác tại TP.HCM chia sẻ.

Thực tế, thời điểm tạm dừng hoạt động vì Covid-19 hồi tháng 4, chuỗi nhà hàng Ba Gác đã lập tức triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó như bán cơm trưa, giao đồ ăn tận nơi, phục vụ tiệc tại nhà...

Đến giữa tháng 8, hệ thống này quyết định hợp tác, chia sẻ 6 mặt bằng kinh doanh với chuỗi cà phê Ông Bầu.

“Có nhiều doanh nghiệp khác bày tỏ mong muốn hợp tác, nhưng chúng tôi ưu tiên thương hiệu uy tín, sản phẩm có thể bán từ sáng đến chiều tối đủ để tối ưu mặt bằng, và cần ít trang thiết bị trong quá trình vận hành hàng ngày. Đồng thời, đối tác phải đồng ý thuê theo chuỗi nhằm đảm bảo tiện lợi trong quản lý, hỗ trợ lẫn nhau”, ông Minh Lộc cho biết.

Ông khẳng định, mặc dù chi phí cho Ông Bầu thuê lại chiếm tỷ trọng rất ít, đây cũng là một trong những giải pháp giúp giải quyết phần nào bài toán tài chính hiện nay, khi doanh số chỉ tương đương 70-80% trước dịch, chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn.

Đồng thời, việc hợp tác này giúp hoạt động marketing cho cả hai thương hiệu đạt hiệu quả cao hơn.

 Chuỗi Ba Gác cho chuỗi cà phê Ông Bầu thuê lại mặt bằng để kinh doanh từ sáng đến chiều. Ảnh: NVCC.

Chuỗi Ba Gác cho chuỗi cà phê Ông Bầu thuê lại mặt bằng để kinh doanh từ sáng đến chiều. Ảnh: NVCC.

Trong bối cảnh này, chuỗi nhà hàng Ba Gác vẫn dự định khai trương chi nhánh mới rộng 2.000 m2 vào tháng 10. Vị đại diện cho biết khá tự tin với nhà hàng mới, khi xây dựng theo phong cách Địa Trung Hải tại một mặt bằng khá đắc địa ở quận Gò Vấp (TP.HCM), nơi khách hàng có thể vừa ăn uống vừa.... ngắm máy bay.

Chia sẻ với Zing, ông Lâm Minh Chánh, nhà sáng lập Trường Quản trị Kinh doanh BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp, nhận định, đợt dịch Covid-19 đầu tiên đã tạo ra sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động.

Đối với những doanh nghiệp vững mạnh, đã vượt qua đợt dịch đầu tiên, ông cho rằng họ đã “quen” đối phó với Covid-19. Đợt bùng phát mới đây sẽ tạo ra khó khăn, nhưng hậu quả không nặng nề như đợt trước.

Đối với những doanh nghiệp yếu hơn, nhưng chưa đến mức lỗ nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản, ông Chánh tư vấn nên tập trung vào việc bán hàng, tạo ra doanh số. “Lúc này hãy khoan nói đến chuyện sáng tạo hay đưa ra sản phẩm mới. Điều quan trọng nhất là cắt giảm chi phí và có doanh số để tồn tại”, ông Lâm Minh Chánh khẳng định.

Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp không có tiềm lực, đang quá khó khăn và hầu như không có hướng đi khả quan nào khác, lời khuyên của ông là đóng cửa hoạt động và chờ đợi cơ hội mới trong tương lai.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-tim-cach-song-chung-voi-dich-post1124881.html