Doanh nghiệp tìm đủ cách chống dịch
COVID-19 quật ngã không ít doanh nghiệp (DN); những DN còn tồn tại vừa đau đầu tìm cách đảm bảo đời sống công nhân, vừa áp dụng đủ biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.
Tung chiêu phòng dịch
Là DN có hơn 7.000 công nhân (CN) sản xuất, làm cách nào để đảm bảo cho từng CN được an toàn trong xí nghiệp hoàn toàn không dễ dàng với Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công (khu công nghiệp - KCN Tân Bình, TPHCM). Lãnh đạo công ty này cho biết đã tìm trăm phương nghìn kế để phòng bệnh COVID-19.
Theo đó, ngoài may khẩu trang phát cho tất cả CN, công ty đầu tư hơn 800 triệu đồng cải tiến nhà ăn. Theo đó, mỗi người ngồi ăn một ô. Mỗi phần ăn được chia đầy đủ cơm, thức ăn, canh, nước chấm, gia vị…, không CN nào cầm chung vật dụng, giảm thiểu tiếp xúc. Đối với nhân viên văn phòng, công ty yêu cầu cài đặt phần mềm làm việc theo nhóm và chuyển sang phương án làm việc ở nhà.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, Q.9, TPHCM), nơi có hơn 3.400 CN, cho biết, ngay khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng, lãnh đạo công ty triển khai ngay nhiều giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động. Cụ thể, yêu cầu người lao động giữ khoảng cách 2m tại nơi quẹt thẻ chấm công khi ra vào cổng; rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước và sau khi quẹt thẻ chấm công; công ty sơn vạch bảo đảm khoảng cách giữa 2 người đứng gần nhau khi chờ lấy suất ăn, dùng các tấm nhựa ngăn cách bàn ăn…
“Mới đây, chúng tôi còn thay thế chương trình giới thiệu suất ăn cho CN bằng các bài hát tuyên truyền về cách thức phòng chống dịch COVID-19. Khi CN đứng chờ lấy suất ăn hay quẹt thẻ chấm công sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin”, ông Hồng nói.
Tại Bình Dương, các DN sản xuất cũng có phương án chủ động phòng ngừa dịch COVID-19 từ rất sớm. Công ty Shyang Hung Cheng có hơn 9.000 CN làm việc. Đơn vị này luôn trang bị sẵn nước rửa tay, khẩu trang… ở nơi CN dễ thấy và thuận tiện sử dụng; bố trí vị trí làm việc cách xa nhau, phân công làm việc luân phiên, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, vừa ngăn ngừa dịch bệnh.
Tương tự, Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có hơn 4.000 CN làm việc luân phiên để duy trì sản xuất. Nhiều DN cho CN làm 1 ngày, nghỉ 1 ngày nhưng vẫn trả lương đầy đủ.
Ngoài ra, DN ở Bình Dương còn lắp vách ngăn tại các bếp ăn tập thể, mỗi CN ngồi một khoang riêng để giữ khoảng cách, hạn chế nói chuyện, trừ những trường hợp cần thiết. Công ty TNHH Compass II còn chia từng nhóm nhỏ đến nhà ăn (10-20 người/đợt), mỗi người ngồi một bàn. Đơn vị này còn thường xuyên phun thuốc diệt khuẩn toàn bộ các khu vực làm việc.
Không lơ là
Theo ghi nhận của PV tại tỉnh Bình Dương, tất cả DN đang hoạt động đều thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch, bảo vệ CN. CN đến làm việc được đo thân nhiệt ngay từ cổng. Nếu quản lý doanh nghiệp phát hiện CN nào có biểu hiện bất thường sẽ đưa CN đó đến nơi có đội ngũ y tế phản ứng nhanh.
Trao đổi với báo PV Tiền Phong, ông Đặng Văn Đạt, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, nhất là nguồn nguyên liệu. Dù vậy, tính đến nay, các DN vẫn đang duy trì sản xuất. “DN lớn trên địa bàn chưa có đơn vị nào tạm ngưng hoạt động. Họ chỉ thay đổi cách làm. Cụ thể, DN cho CN nghỉ luân phiên. Những CN đang tạm ngưng việc sẽ được tỉnh hỗ trợ 500.000 đồng/người”, ông Đạt cho biết.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương, khẳng định: “Với những DN có số lượng CN lên đến hàng ngàn, họ sẽ cho CN thay phiên làm việc để nơi làm việc có không gian giữ khoảng cách an toàn. Công ty quán triệt người lao động hạn chế tiếp xúc khi không thật sự cần thiết. Trước khi vào ca và tan ca, người lao động đều được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt. Hoạt động kiểm dịch tại DN chỉ dừng lại khi có thông báo hết dịch”.
Tại TPHCM, cơ quan chức năng đã bắt đầu giai đoạn xét nghiệm đồng loạt để sàng lọc giám sát CN lưu trú trong các khu chế xuất, KCN. Khu chế xuất Tân Thuận triển khai xét nghiệm đầu tiên, đã có 1.600 CN tại khu lưu trú được xét nghiệm và đang chờ kết quả.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quyết liệt triển khai bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 tại DN trên địa bàn. “Đến ngày 25/4, tất cả các DN ở TPHCM đều phải có bảng tự đánh giá và được quận, huyện xác nhận. Tổ chức rà soát lại, khử trùng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các khu cách ly tập trung để sẵn sàng dự phòng cho các trường hợp xảy ra. Các DN không đảm bảo công tác phòng, chống dịch buộc phải tạm dừng hoạt động”, ông Nhân chỉ đạo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, Trung tâm vừa kiểm tra hàng loạt DN, trong đó nhiều DN có quy mô trên 3.000 lao động. Kết quả kiểm tra cho thấy, đa số DN có mức độ lây nhiễm thấp, song vẫn còn đơn vị có mức độ lây nhiễm trung bình.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/doanh-nghiep-tim-du-cach-chong-dich-1644934.tpo