Doanh nghiệp tìm lối thoát hiểm, bất động sản nghỉ dưỡng chờ nổi sóng cuối năm

Trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư và thanh khoản thị trường vẫn ở đáy vực, không ít doanh nghiệp trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang nỗ lực tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh để kỳ vọng vào các đợt sóng mới trong nửa cuối năm.

Kết quả thăm dò của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) trong báo cáo gần nhất cho thấy nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trên cả nước đang rục rịch tăng trở lại. Riêng trong quý II/2024, toàn phân khúc có 7 dự án mở bán, cung cấp gần 2.800 sản phẩm mới, gấp 8 lần so với quý liền kề.

Nguồn cung tăng cục bộ

Số lượng dự án được cấp phép xây dựng hoặc động thổ, theo VARS, cũng ghi nhận cải thiện trong quý vừa qua. Đơn cử, tại Phú Yên, một dự án quy mô 57 ha do Tập đoàn Khách sạn Mandarin Oriental quản lý được cấp phép xây dựng vào giữa tháng 6. Dự án nằm ở Bãi Nồm, cung cấp hơn 70 căn biệt thự.

Tại Phú Quốc, một dự án quy mô 1,1 ha nằm ở khu vực Bãi Trường, cách bờ biển gần 100m, động thổ vào ngày 1/6. Dự án gồm 81 căn biệt thự, giá dự kiến từ 4,8 tỷ đồng/căn, bàn giao cuối năm 2025.

Trong khi đó, theo dữ liệu của DKRA, nguồn cung phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) trên thị trường sơ cấp đã tăng 51% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu ở Nha Trang (Khánh Hòa). Các địa phương khác như Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận hay Vũng Tàu chiếm 5 - 12% nguồn cung sơ cấp.

Có cải thiện song bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đối diện nhiều thách thức về thanh khoản khi niềm tin nhà đầu tư xuống thấp.

Có cải thiện song bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đối diện nhiều thách thức về thanh khoản khi niềm tin nhà đầu tư xuống thấp.

Về lượng giao dịch, DKRA cho biết lượng giao dịch thành công đã ghi nhận đà tăng gần 7 lần so với cùng kỳ, song chủ yếu nằm ở một dự án. Trong khi đó, giao dịch của các dự án cũ hầu hết vẫn chậm hoặc đóng giỏ hàng. Lượng thanh khoản chủ yếu đến từ loại hình biệt thự nghỉ dưỡng có giá dưới 10 tỷ đồng/căn và condotel có giá dưới 3 tỷ đồng.

Có cải thiện về nguồn cung, tuy nhiên, theo DKRA, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thoát khỏi "vùng tối" dù ngành du lịch đã có nhiều khởi sắc. Giá bán sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang, thanh khoản lẫn khả năng tăng giá rất thấp khi niềm tin của nhà đầu tư phân khúc này vẫn lung lay dữ dội.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng Dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA, tiết lộ thị trường thứ cấp bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận mức giá giảm trung bình 15% - 20% so với giá hợp đồng, cục bộ có những dự án giảm sâu đến 40% - 50% nhưng vẫn khó bán.

Chủ đầu tư tìm “cửa thoát hiểm”

Trong bối cảnh thanh khoản ì ạch, các chủ đầu tư đang đẩy mạnh chính sách “giảm giá gián tiếp” như hỗ trợ dòng tiền, kéo dài lịch thanh toán, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất... để thuyết phục khách hàng.

Bên cạnh tăng ưu đãi, không ít doanh nghiệp đang đưa ra các chiến lược để thích nghi với tình hình mới, bao gồm tái cấu trúc tài chính, điều chỉnh kế hoạch bán hàng và thay đổi định vị sản phẩm.

Điển hình, một số dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã khởi động lại sau thời gian tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hay các vấn đề pháp lí và sự không ổn định về nguồn vốn. Đơn cử, dự án Peninsula Đà Nẵng (Tập đoàn Đông Đô) tại quận Sơn Trà tiếp tục xây dựng sau khoảng thời gian điều chỉnh giảm quy mô từ 36 tầng xuống còn 31 tầng.

Cùng với những cuộc “cách mạng” của chủ đầu tư, những chính sách mới từ bộ 3 Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/8 tới cũng là cơ sở để nhiều người tin vào những đợt sóng mới trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng từ cuối năm 2024.

TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhìn nhận thời điểm nửa cuối năm 2024 và những năm tiếp theo sẽ là thời cơ mới để cho phân khúc này phục hồi tích cực và trở lại đường đua. Nhờ trợ lực tốt từ sự khởi sắc của ngành du lịch và các bộ luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Trước mắt, trong nửa đầu năm 2024, ngành du lịch đón trên 8,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, đến thời điểm này lượng khách quốc tế đã đạt 50% mục tiêu đề ra cho cả năm 2024 là 17 - 18 triệu lượt.

“Sự phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đang tạo ra động lực tích cực để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện dự án. Về vấn đề pháp lý, 3 dự án luật có hiệu lực từ ngày 1/8 tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho việc cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… qua đó lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và khách hàng”, ông Đính phân tích.

Một trong những động lực khác trong phân khúc nghỉ dưỡng là dòng vốn ngoại và kiều hối đang kỳ vọng chảy mạnh vào thị trường. Khối ngoại đang tranh thủ giá bất động sản tốt để “phủ sóng” kinh doanh khách sạn ở Việt Nam. Điển hình, trong năm 2023, Marriott International - thương hiệu quản lý khách sạn toàn cầu - đạt thỏa thuận tiếp nhận quản lý 7 khách sạn và resort của Vinpearl.

Bên cạnh đó, phải kể đến thương vụ Lodgis Hospitality Holdings bắt tay Hanwha Group (Hàn Quốc) để đầu tư và quản lý các dự án khách sạn ở châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam.

Cùng với dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, kiều hối cũng được đánh giá là một trong những động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng. Dự báo này là có cơ sở bởi lượng kiều hối về Việt Nam liên tục tăng trong những năm trở lại đây. Năm 2023, kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm liền kề.

Có thể thấy, bất động sản nghỉ dưỡng sau thời gian chạm đáy đang có nhiều yếu tố để phục hồi. Tuy nhiên, nhìn chung, các chuyên gia đánh giá phân khúc này khó có “sóng lớn” trong ngắn hạn. “Những khó khăn về pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư… khiến thị trường sẽ tiếp tục duy trì trạng thái đi ngang vùng đáy và rất khó phục hồi trong ngắn hạn”, một chuyên gia khẳng định.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-tim-loi-thoat-hiem-bat-dong-san-nghi-duong-cho-noi-song-cuoi-nam-1101280.html