Doanh nghiệp tinh bột sắn lớn nhất Việt Nam báo lãi 'tụt' 45,9%

Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi lý giải lợi nhuận quý II/2024 giảm đến 45,9% so với cùng kỳ bởi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua.

Chân dung doanh nghiệp tinh bột sắn lớn nhất Việt Nam

Công ty CP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO - MCK: APF) được ghi nhận là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

APF được thành lập từ năm 2003, đến thời điểm hiện tại đã trở thành một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Các sản phẩm của công ty chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Hiện nay, Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi có 5 nhà máy sản xuất tinh bột sắn biến tính với năng lực sản xuất trên 600 tấn sản phẩm/ngày, tổng năng lực sản xuất có thể đạt 100.000 tấn sản phẩm/năm.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu năm 2023 của APF đạt 6.486 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước đó. Khấu trừ chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế giảm sâu 55%, còn gần 182 tỷ đồng.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 230 tỷ đồng. Cổ tức năm 2024, công ty dự kiến duy trì ở mức 30-40%. Để thực hiện mục tiêu này, công ty dự kiến tiếp tục tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực sản xuất tại Lào, mục tiêu đến năm 2028 tổng sản lượng tinh bột sắn tại Lào đạt từ 180.000 - 200.000 tấn sản phẩm/năm.

Tinh bột sắn là sản phẩm chủ lực của Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi

Tinh bột sắn là sản phẩm chủ lực của Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi

Lợi nhuận “tụt” 45,9% so với cùng kỳ

Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Trong đó tổng tài sản của công ty tính đến ngày 30/6/2024 đạt 3.394 tỷ đồng, tăng thêm 226 tỷ đồng so với đầu năm. Trong tổng tài sản của APF có 1.360 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm tỷ lệ 40% tổng tài sản.

Nợ phải trả của công ty tính đến ngày 30/6/2024 là 2.199 tỷ đồng, tăng 140 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 2.064 tỷ đồng; các khoản vay và thuê tàu chính ngắn hạn lên đến 1.822 tỷ đồng, chiếm đến 88% tổng nợ phải trả.

Tổng doanh thu quý II/2024 của Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi đạt 1.329 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2023. Tuy doanh thu chỉ giảm 3%, nhưng lợi nhuận sau thuế của APF giảm đến 45,9% so với cùng kỳ. Trong quý II/2024, lợi nhuận sau thuế của của công ty đạt 32 tỷ đồng, còn cùng kỳ 2023 đạt 60,4 tỷ đồng. Lý giải cho việc này, đại diện công ty cho rằng do cạnh tranh gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu dẫn đến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, từ đó dẫn đến chi phí giá vốn trên đơn vị sản phẩm tăng.

Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi cho rằng lợi nhuận giảm 45,9% do cạnh tranh gay gắt trong thu mua nguyên liệu

Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi cho rằng lợi nhuận giảm 45,9% do cạnh tranh gay gắt trong thu mua nguyên liệu

Liên tục trả cổ tức với tỷ lệ cao

Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi được ghi nhận là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức với tỷ lệ cao bằng cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu. Thống kê thêm 2 đợt trả cổ tức mới nhất thì cổ đông APF nhận được cổ tức năm 2023 với tổng tỷ lệ 55%. Trong đó 45% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu. Với hơn 27 triệu cổ phiếu lưu hành, APF đã chi gần 68 tỷ đồng cho cổ tức đợt 2/2023, đồng thời sẽ phát hành mới hơn 2,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ công ty dự kiến tăng lên gần 298 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 23/2, công ty đã chi hơn 54 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 theo danh sách cổ đông chốt ngày 25/1/2024.

Từ năm 2014 đến nay, Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi đều đặn chi từ 2-3 đợt cổ tức hàng năm cho cổ đông bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ cao hàng chục phần trăm. Trong 4 năm gần nhất, công ty duy trì mức 60% cho hai năm 2020, 2022; năm 2021 là 50%; năm 2023 là 55% và dự kiến năm 2024 ở mức 30-40%.

Thanh Hiếu

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/doanh-nghiep-tinh-bot-san-lon-nhat-viet-nam-bao-lai-tut-459-715285.html