Doanh nghiệp TP.HCM chuyển dịch thị trường xuất khẩu
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ ở mức 46%, sáng 3/4, nhiều hiệp hội ngành hàng ở TP.HCM họp khẩn để kiến nghị với Chính phủ đàm phán giảm thuế và chuẩn bị phương án ứng phó nếu bị áp thuế mức cao.
Áp thuế cao, doanh nghiệp rất khó khăn
Đến thời điểm này, dù Mỹ chưa công bố mức áp thuế cụ thể với ngành, hàng nào, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may, giày da, chế biến sản phẩm gỗ… ở TP.HCM rất lo lắng.
Ông Huỳnh Lê Đại Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ Nghĩa Sơn cho biết, 50% sản phẩm gỗ của doanh nghiệp này xuất khẩu sang Mỹ, 50% xuất sang Châu Âu. Hiện nay, mức thuế các sản phẩm gỗ của doanh nghiệp này xuất sang Mỹ là 0%. Tuy nhiên, doanh nghiệp “nghe ngóng” thì Mỹ có thể áp thuế suất với sản phẩm này 24%, nếu áp mức thuế này thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ rất khó khăn.

Doanh nghiệp ngành chế biến gỗ đề nghị Chính phủ đàm phán với Mỹ mức thuế xuất khẩu vào thị trường này
Hiện nay, doanh nghiệp ngành chế biến sản phẩm gỗ đã kiến nghị Chính phủ đàm phán với Mỹ về mức thuế của ngành hàng này và đang chờ kết quả. Điều thuận lợi là trước đó, doanh nghiệp ngành gỗ đã kiến nghị và Chính phủ đã giảm thuế 0% tất cả các loại nguyên liệu gỗ và gỗ nhập khẩu từ Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Lê Đại Thắng cho biết, doanh nghiệp cũng chuẩn bị phương án mở rộng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu nếu Mỹ áp thuế tăng. Nhưng điều này cũng không dễ dàng, vì thị trường Châu Âu tiêu chuẩn khắt khe hơn và giá xuất không tốt bằng thị trường Mỹ.
“Nếu thị trường Mỹ khó quá thì tôi sẽ tăng khai thác thị trường Châu Âu. Châu Âu hàng gỗ thì cầu rất nghiêm ngặt về hồ sơ, pháp lý và nguồn gốc gỗ và các yêu cầu kỹ thuật rất chặt. Nhưng Châu Âu không áp thuế còn Mỹ thì áp thuế quá cao”- ông Thắng chia sẻ.
Còn ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sao Ta cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều hành động nhằm đưa cán cân thương mại Việt - Mỹ tiến tới ngày càng cân bằng hơn. Điều đó tạo niềm tin cho các doanh nghiệp hy vọng là thuế đối ứng, nếu có sẽ không quá cao, chỉ xoay quanh 10%. Tuy nhiên, quá bất ngờ khi Tổng thống Trump đưa ra mức thuế đối ứng với hàng hóa vào Mỹ có xuất xứ từ Việt Nam tới 46%. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ và các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cáng đáng. Trước tình hình này, Chính phủ cần đàm phán, chia sẻ thêm để hy vọng sắp tới mức thuế giảm về mức chấp nhận được.
Thuế cao thì sức mua hàng dệt may sẽ giảm
Còn ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho rằng: mức thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ vừa công bố đối với hàng hóa nhập khẩu Việt Nam thật sự là cú sốc với các doanh nghiệp ngành dệt may, do thị trường này đang chiếm đến 40% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Doanh nghiệp dệt may ở TP.HCM xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm khoảng 40%
Trước tình huống Mỹ có thể áp thuế cao đối với hàng dệt may, sáng 3/4, Hội Dệt May thêu đan TP.HCM đã họp khẩn để bàn phương án ứng phó. Trước mắt, các doanh nghiệp chia sẻ thị trường xuất khẩu với nhau (ngoài thị trường Mỹ -PV) và tìm thị trường ngách để giải phóng hàng của quý 2 để tránh dòng tiền bị tắc và bị áp thuế mới.
“Những đơn hàng đang làm thì sẽ làm gấp và trao đổi với các hãng tàu giao hàng nhanh trước 9/4 để được hưởng thuế cũ. Nếu Mỹ áp thuế cao thì sức mua hàng dệt may ở thị trường này sẽ giảm 5%. Doanh nghiệp Việt Nam đang hàng tồn rất nhiều nguyên phụ liệu và hàng hóa đang vận chuyển xuất sang Mỹ”- ông Việt cho nói.