An Giang: Hàng trăm nông dân hào hứng tham gia ngày hội thu hoạch lúa
Ngày 4.4, Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang phối hợp UBND huyện Châu Phú tổ chức Ngày hội thu hoạch lúa tham gia Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL'.

Ruộng lúa của nông dân Lý Quang Nghị (ngụ xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã thu hút hàng trăm nông dân đến xem, tham gia thu hoạch
Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới, vào lúc 6 giờ 15 phút, tại ruộng lúa rộng 3ha của nông dân Lý Quang Nghị (xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang), hàng trăm nông dân đã đến tham quan và tham gia thu hoạch.
Ông Phạm Văn Lộc, một nông dân sản xuất lúa tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, chia sẻ: "Ruộng lúa của ông Nghị đã được canh tác đúng theo quy trình của đề án, bao gồm giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón và giảm lượng nước tưới. Đồng thời, ruộng lúa cũng áp dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân, sử dụng bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH Bayer Việt Nam, phân bón của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền và giống lúa của Công ty Vinarice.
Kết quả, năng suất lúa trên ruộng mô hình đạt 8,25 tấn/ha, mang lại lợi nhuận cao hơn 11,28 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Tôi rất vinh dự khi được đứng đây chia sẻ những kết quả mà tôi và những người nông dân khác đã và đang thực hiện trong thời gian qua.
Với nhiều năm gắn bó với đồng ruộng, tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp địa phương, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát đến việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của ngành nông nghiệp, bà con nông dân chúng tôi đã mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất lúa, với những mô hình sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực".

Nông dân phấn khởi khi tham gia ngày hội - Ảnh: Tô Văn


Không khí hào hứng ngày hội thu hoạch lúa - Ảnh: Tô Văn
Theo ông Lý Quang Nghị, tất cả các mô hình trên đều mang lại hiệu quả cao, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sạ dày sang sạ thưa, giảm từ 200 kg/héc-ta xuống còn 80 kg/héc-ta. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
"Tuy nhiên, để đề án 1 triệu héc-ta đạt tiến độ mong muốn, nông dân rất cần sự đồng hành của các cấp, các ngành và các đơn vị hợp tác xã. Đặc biệt, cần có sự liên kết và tiêu thụ sản phẩm ổn định để nông dân yên tâm sản xuất, hướng đến canh tác lúa bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ đó, giúp nông dân giảm chi phí và tăng lợi nhuận", ông Nghị nhấn mạnh.

Ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh trống khai hội - Ảnh: Tô Văn
Ông Trần Thanh Hiệp, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết sở sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông và tổ khuyến nông cộng đồng, kết nối và hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện quy trình canh tác lúa chất lượng cao theo khuyến cáo của ngành chức năng, cũng như cung cấp kiến thức về thị trường, chuyển đổi số và tư vấn kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử.
Sở cũng sẽ cập nhật kiến thức chuyên môn để phục vụ việc thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".
"Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động tập huấn và tuyên truyền thông qua việc xây dựng các mô hình áp dụng triệt để quy trình sản xuất lúa theo đề án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành. Chúng tôi cũng sẽ tập trung đầu tư trang thiết bị cho các hợp tác xã và tổ hợp tác để đảm bảo áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, làm tiền đề thúc đẩy và nhân rộng mô hình theo kế hoạch đề ra", ông Hiệp cho biết.

Tỉnh An Giang đang tập trung tuyên truyền, vận động ngày càng nhiều nông dân tham gia vào đề án - Ảnh: Tô Văn

Một nông dân tham gia thử máy chuyển bao lúa - Ảnh: Tô Văn
Hàng trăm nông dân hào hứng tham gia Ngày hội thu hoạch lúa - Clip: Tô Văn
Phát biểu tại ngày hội, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhấn mạnh rằng việc tổ chức ngày hội thu hoạch lúa có ý nghĩa đặc biệt trong việc tuyên truyền và khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tích cực tham gia đề án.
Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại An Giang đã đạt được những kết quả tích cực, với diện tích thực hiện khoảng 1.200ha và 22.000ha thực hiện theo đề án phát triển nông nghiệp bền vững trong năm 2024. Năm 2025, An Giang đặt mục tiêu có 44.000ha tham gia đề án trên toàn tỉnh.
"Tôi yêu cầu các sở, ngành và địa phương tập trung tuyên truyền, vận động ngày càng nhiều nông dân tham gia vào đề án. Trong đó, cần làm rõ lợi ích của nông dân khi tham gia canh tác lúa chất lượng cao. Tăng cường vận động nông dân giảm phát thải thông qua việc không đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Nghiên cứu cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch.
Các sở, ngành và địa phương cần có kế hoạch cụ thể gắn với việc kiểm tra và đánh giá hiệu quả thực hiện đề án. Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong việc thực hiện đề án. Tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả của đề án trong thời gian tới", ông Mừng chỉ đạo.