Doanh nghiệp TP.HCM tìm giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu

Doanh nghiệp tái định vị thị trường xuất khẩu và tích cực tìm kiếm các thị trường mới.

Ngày 21-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.

Doanh nghiệp chú trọng khai thác lợi thế của thị trường nội địa

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Dù vậy, TP.HCM luôn xác định đây là thị trường chiến lược quan trọng, có khả năng dẫn dắt hành vi tiêu dùng và tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Bộ trưởng Bộ Công Thương đang chủ trì các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ. Chúng ta kỳ vọng một cơ chế thuế quan phù hợp sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm và mở rộng thị trường”- ông Vũ thông tin.

Theo ông Vũ, với vai trò quản lý nhà nước, Sở Công Thương mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Đồng thời, Sở cũng kỳ vọng doanh nghiệp tham mưu ngược lại cho cơ quan quản lý để có những điều chỉnh chính sách phù hợp, giúp thực thi hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng thúc đẩy các hoạt động khai thác lợi thế của thị trường nội địa. Với quy mô 100 triệu dân và sức mua ngày càng gia tăng, đây là một thị trường tiềm năng to lớn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam phải xác định đây là thị trường trọng yếu.

Ngoài ra, việc thúc đẩy liên kết vùng, bao gồm liên kết vùng nguyên liệu và liên kết các vùng thị trường, là một trong những chủ trương mà thành phố sẽ tập trung triển khai trong giai đoạn tới.

“Khi TP.HCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, thì phạm vi phát triển cho doanh nghiệp thành phố sẽ vô cùng lớn. TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm sản xuất công nghiệp, trung tâm của thị trường nội địa và xuất khẩu, trung tâm logistics và các dịch vụ cung ứng cho thương mại điện tử”-ông Vũ phân tích.

 Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ thông tin tại diễn đàn

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op chia sẻ thông tin tại diễn đàn

Lo ngại hàng giá rẻ gây khó khăn doanh nghiệp trong nước

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thời gian tới, hàng hóa ngoại nhập dự kiến sẽ tác động và ảnh hưởng ngày càng lớn đến các doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Sơn, Saigon Co.op, với định hướng xuyên suốt từ khi thành lập, luôn duy trì tỉ lệ hơn 90% hàng Việt trên quầy kệ. Nếu chúng tôi kiên định với mục tiêu này, 1% hàng Việt trên kệ siêu thị giảm sút, đồng nghĩa với việc thêm 1% doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp.

Theo đó, Saigon Co.op gia tăng liên kết vùng. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM, và trực tiếp là Sở Công Thương, trong năm 2024 và ba năm tiếp theo, Saigon Co.op triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu.

Thông qua cơ chế này, chúng tôi xác định mỗi vùng có thế mạnh về sản phẩm gì để đưa vào chuỗi bán lẻ hiện đại.

Hiện nay, đa số các hợp tác xã sản xuất nông sản có quy mô nhỏ, chưa đủ năng lực cung ứng ổn định cho các chuỗi bán lẻ lớn. Song song đó, danh mục hàng hóa chủ lực của các tỉnh thành hiện còn khá tương đồng, chưa có sự khác biệt rõ nét.

“Với việc quy hoạch vùng nguyên liệu và định hướng phát triển sắp tới, đây là một trong những giải pháp then chốt để tăng cường sự hiện diện của hàng Việt trên quầy kệ, đảm bảo hàng hóa Việt Nam duy trì tỉ trọng cao”- ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, hàng hóa Trung Quốc có xu hướng "chạy" vào thị trường Việt Nam. Thời điểm này, có thể thấy rõ mặt hàng phi thực phẩm tràn ngập thị trường.

“Đội ngũ của chúng tôi đã thử đặt mua một số mặt hàng qua các kênh trực tuyến. Cộng cả chi phí vận chuyển, giá chỉ bằng khoảng 1/3 so với việc mua các sản phẩm tương tự tại Việt Nam, chưa kể thời gian giao hàng rất nhanh. Nếu không có những chính sách quản lý hiệu quả vấn đề này, e rằng sẽ rất khó khăn cho cả doanh nghiệp bán lẻ lẫn doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Tôi dự báo trong vòng một đến hai năm tới, hàng thực phẩm cũng sẽ thâm nhập mạnh mẽ qua kênh thương mại điện tử, khi đó doanh nghiệp sẽ càng đối mặt với nhiều thách thức hơn,”- ông Sơn bày tỏ lo ngại.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ngành lương thực thực phẩm (LTTP) đóng vai trò như một “lá chắn mềm” của nền kinh tế, góp phần duy trì sản xuất, việc làm và ổn định toàn chuỗi giá trị nông thủy sản.

Theo đó, Hội FFA đề xuất bốn nhóm giải pháp trọng tâm. Cụ thể là tái định vị thị trường xuất khẩu và tích cực tìm kiếm các thị trường mới.

“Chúng tôi đang cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai mở rộng một số thị trường ngách”- bà Chi nói.

Đơn cử, thị trường Halal toàn cầu năm 2022 có quy mô khoảng 7.000 tỉ USD, đây là một thị trường tiềm năng lớn đối với ngành chế biến LTTP Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng sự khác biệt hóa sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe.

Việc xây dựng thương hiệu cần gắn liền với câu chuyện sản phẩm. Ví dụ, mỗi chai nước mắm, mỗi hạt gạo đều có thể kể một câu chuyện riêng, tạo sự kết nối với người tiêu dùng. Nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng chất lượng đang được các doanh nghiệp ngành LTTP tích cực triển khai.

Đặc biệt, tăng cường kết nối hệ sinh thái đa ngành để củng cố và mở rộng thị phần. Chẳng hạn, khi các doanh nghiệp nhỏ nhận được đơn hàng lớn, họ cần liên kết lại mới đủ năng lực sản xuất và xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng.

Thị trường tiêu dùng nhanh Việt Nam có thể đạt 50 tỉ USD.

Ông Lê Trường Sơn thông tin thêm, từ cuối năm 2024 và đến quý I-2025 mặc dù trong bối cảnh thuế quan của Hoa Kỳ, thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam vẫn được duy trì dự báo có tiềm năng tăng trưởng, đạt 50 tỉ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, các kênh truyền thống vẫn chiếm khoảng 3/4 thị phần FMCG tại Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa cho kênh thương mại hiện đại vẫn còn rất lớn.

Do đó, để phát triển, các doanh nghiệp bán lẻ hiện đại như Saigon Co.op vẫn đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn lực.

Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ, việc mở rộng các mô hình thương mại hiện đại đến với người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, sẽ gặp nhiều trở ngại.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-tphcm-tim-giai-phap-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-post850972.html