Doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc tìm thị trường thay thế Mỹ
Một cuộc khảo sát phát hiện thấy 95% công ty Trung Quốc đã hoặc có kế hoạch tăng mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường không phải là Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra những hệ quả lâu dài đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc và khiến nhiều công ty trong số này tìm cách đa dạng hóa thị trường khỏi Mỹ cho dù Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận đình chiến - kết quả một cuộc khảo sát cho thấy.
Theo hãng tin CNBC, công ty bảo hiểm thương mại Allianz Trade đã tiến hành khảo sát 4.500 doanh nghiệp xuất khẩu tại một số nền kinh tế lớn và phát hiện thấy 95% công ty Trung Quốc đã hoặc có kế hoạch tăng mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường không phải là Mỹ. Cuộc khảo sát nhận thấy một cuộc “phân ly” Mỹ - Trung vẫn là một kịch bản trong trung hạn vì các nhà xuất khẩu Trung Quốc tìm cách xoay trục khỏi thị trường Mỹ và các công ty Mỹ cũng đẩy mạnh các nỗ lực dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, báo cáo khảo sát cho biết.
Cũng theo kết quả khảo sát, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dự báo doanh thu xuất khẩu sẽ giảm sút trong năm nay do thuế quan hai con số của Mỹ. Dù Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí giảm thuế quan đối ứng cho nhau về 10% trong 90 ngày, Mỹ vẫn áp thuế quan 20% liên quan tới vấn đề fentanyl lên hàng Trung Quốc. Tổng thuế quan tính theo trọng số thương mại của Mỹ đối với hàng Trung Quốc đang ở mức 39%, cao hơn nhiều so với mức 13% trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai - theo ước tính của Allianz Trade.
Thời gian hòa hoãn 90 ngày được dự báo sẽ chứng kiến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng vọt do các doanh nghiệp tranh thủ mức thuế thấp để đẩy nhanh các đơn hàng. Việc chuẩn bị hàng hóa cho mùa mua sắm cuối năm cũng có thể sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy nhanh việc nhập hàng từ Trung Quốc. Không ai có thể biết trước Bắc Kinh và Washington có thể đạt một thỏa thuận cuối cùng hay không, trong khi phần lớn hàng để bán trong dịp nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới cần phải rời cảng Trung Quốc trong tháng 8 và tháng 9. Giá cước vận tải biển vì thế được dự báo sẽ tăng mạnh trong khoảng thời gian này.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ở thành phố Ninh Ba của Trung Quốc không vì vậy mà từ bỏ kế hoạch “tiến ra toàn cầu” - theo nhà kinh tế cấp cao Tianchen Xu của công ty nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU).
Trong một báo cáo gần đây sau chuyến thăm Ninh Ba - thành phố có hải cảng lớn thứ thứ hai Trung Quốc về lượng hàng hóa trung chuyển sau Thượng Hải - ông Xu nói Đông Nam Á vẫn là lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp ở Ninh Ba khi dịch chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Trong số các nước Đông Nam Á, các công ty ở Ninh Ba thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn với việc sản xuất ở Indonesia - ông Xu cho hay. Quan điểm của các doanh nghiệp về Việt Nam thiếu sự đồng nhất, một mặt lo lắng vì chi phí gia tăng, mặt khác vẫn nhận thấy lực lượng lao động của Việt Nam có sức hấp dẫn lớn.
Mỹ hiện đã đạt được thỏa thuận thương mại với Anh và một thỏa thuận “đình chiến” với Trung Quốc, nhưng đàm phán với các đối tác khác chưa có bước tiến cụ thể.
Allianz Trade cho rằng thực tế xung đột thương mại lan rộng có thể khiến thương mại toàn cầu giảm sút 305 tỷ USD trong năm nay.
Theo dữ liệu của Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), tổng kim ngạch thương mại toàn cầu đạt 33 tỷ USD trong năm 2024.