Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kết nối trực tiếp vùng hàng hóa ĐBSCL
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang nỗ lực phục hồi sau khi đứt gãy vì dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo và doanh nghiệp tại TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cam kết đẩy mạnh hoạt động đầu tư và tiêu thụ hàng hóa giữa hai vùng, với kỳ vọng xây dựng mối liên kết giữa các bên chặt chẽ hơn.Ngày 15-1, lãnh đạo TPHCM và các doanh nghiệp TPHCM đã thảo luận phân phối tiêu thụ hàng hóa với lãnh đạo và nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL.
Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã chủ động liên hệ TPHCM để cùng nhau phối hợp, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên địa bàn.
Theo đó, Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức cho các doanh nghiệp TPHCM khảo sát thực tế các vùng nguyên liệu sản xuất, cung ứng nông sản tại Đồng Tháp và có mời thêm bốn tỉnh trong vùng (Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang) để thực hiện mô hình thí điểm kết nối trực tiếp, có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản và tiến đến nhân rộng mô hình này lên toàn vùng trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tiêu thụ hàng hóa khi các chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề, luồng lưu thông hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã không hoạt động bình thường. “Điều này dẫn đến hiện tượng dư thừa tại vùng nguyên liệu nhưng khan thiếu ở vùng tiêu thụ”, bà Thắng đánh giá.
Do đó, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng việc tổ chức các hoạt động hợp tác kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại ngay sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát là cần thiết, dựa trên tinh thần khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương.
Chia sẻ tương tự, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết trong thời gian qua, các mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu và chưa chú ý nhiều đến thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong thời gian tới tỉnh đặt mục tiêu phát triển song song cả hai thị trường này.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh Đồng Tháp đẩy các loại nông sản lên kênh thương mại điện tử và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Sở công Thương Đồng Tháp và TPHCM có nhiều chương trình trao đổi, xúc tiến thương mại và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, cái khó của Đồng Tháp hiện nay là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, khả năng tài chính có hạn nên sản lượng không lớn, chưa kết nối được với các doanh nghiệp ở TPHCM. “Các doanh nghiệp của Đồng Tháp mạnh về sản xuất nhưng lại yếu khâu thương mại”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Một lý do khác là Đồng Tháp cũng chưa có nhà đầu tư đủ mạnh để đầu tư vào logistics, như hệ thống thu mua hay kho hàng tập kết, mạng lưới hàng hóa. Hệ quả là khâu vận chuyển hàng hóa về TPHCM còn gặp khó.
Theo số liệu của Đồng Tháp, tỷ lệ tiêu thụ nông thủy sản của Đồng Tháp có 56,6% là tiêu thụ nội địa, trong đó 3% tiêu thụ tại các kênh phân phối hiện đại (các hệ thống siêu thị lớn), 21% tiêu thụ tại chợ đầu mối TPHCM và 76% là thương lái.
Tại hội nghị, lãnh đạo TPHCM đề nghị lãnh đạo các tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu TPHCM đẩy mạnh đầu tư các dự án xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng ổn định, truy xuất được nguồn gốc, thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường trong nước mà còn từng bước chuyển xuất khẩu sang hình thức chính ngạch.
“Chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện đưa hàng hóa các địa phương vào hệ thống các chợ đầu mối, hệ thống phân phối của thành phố, tiếp tục hỗ trợ nông dân, nhà vườn, hợp tác xã các tỉnh tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại tại TPHCM trong thời gian tới”, bà Thắng nói.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh ĐBSCL với 22 thỏa thuận hợp tác về việc xây dựng vùng nguyên liệu tại tỉnh Đồng Tháp, kết nối tiêu thụ hàng hóa phục vụ tết, nguồn hàng phục vụ Tết và logistics.
Ngoài việc ký kết hợp tác với Sở Công Thương TPHCM, Sở Công Thương Đồng Tháp còn ký kết về phát triển thương mại điện tử và thu mua hàng hóa với các đơn vị phân phối như Tiki, Sendo (sàn thương mại điện tử), siêu thị Big C, Hội Công nghệ cao TPHCM. Sở Công Thương và các tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi quá trình triển khai thực hiện các hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ nông sản đã ký kết.
(Theo thesaigontimes.vn)