Doanh nghiệp trẻ vươn ra 'biển lớn'

Nhờ tư duy đổi mới, bản lĩnh vững vàng, nhiều doanh nghiệp trẻ của Hải Dương đã chinh phục được các thị trường lớn, khó tính. Tuy nhiên, để có thể bứt phá, vươn xa hơn, doanh nghiệp trẻ vẫn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát thành công nhờ các đơn hàng xuất khẩu

Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát thành công nhờ các đơn hàng xuất khẩu

Dù kinh nghiệm chưa nhiều nhưng với bản lĩnh, tư duy mới, không ít doanh nghiệp trẻ của Hải Dương đã chinh phục được các thị trường lớn, khó tính.

Mạnh dạn

Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoàng Phát ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã dần bắt nhịp xuất khẩu trở lại khi dịch Covid-19 đã qua đỉnh. Những đơn hàng may mặc xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước EU đã không còn bị cản trở bởi dịch bệnh như trước. Dù mới có mặt trên thương trường chưa đầy 10 năm song thương hiệu may mặc Hoàng Phát đã được các đối tác tin tưởng, lựa chọn sản xuất hàng xuất khẩu. Kết quả này là nhờ những nhạy bén trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo anh Hà Văn Mạnh, Tổng Giám đốc công ty, ban đầu quy mô của doanh nghiệp nhỏ, việc tìm kiếm đơn hàng trong nước còn khó khăn chứ không tính đến chuyện xuất khẩu. Tuy nhiên không vì mới, nhỏ mà doanh nghiệp dè dặt tìm đến những thị trường tiềm năng. Công ty coi cải thiện chất lượng sản xuất bằng việc đầu tư máy móc hiện đại và nâng cao tay nghề của công nhân là chìa khóa để mở cánh cửa xuất khẩu. Nhờ kiên trì, doanh nghiệp đã kết nối được với nhiều khách hàng để xuất khẩu từ 300.000-500.000 sản phẩm/tháng sang các nước lớn.

"Mở rộng thị trường xuất khẩu nên doanh nghiệp lớn mạnh thêm, từ vài chục phát triển lên vài trăm công nhân. Thời điểm dịch căng thẳng nhất, hoạt động xuất khẩu "đóng băng", công ty cũng không đứng im chịu trận mà chuyển hướng sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế. Vì thế nên dù ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn duy trì mức lương trung bình từ 9-10 triệu đồng/người cho công nhân", anh Hà cho biết.

Mới chân ướt, chân ráo thử sức trong ngành sản xuất, chế biến nông sản nhưng Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico ở phường An Phụ (Kinh Môn) đã khẳng định chỗ đứng ở lĩnh vực này. Chỉ sau 3 năm kể từ khi thành lập vào năm 2016, doanh nghiệp đã có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Pháp. Tiếp đà này, công ty chủ động tìm kiếm thị trường thông qua các tham tán thương mại. Nhờ những nỗ lực không ngừng, doanh nghiệp đã nhận được cái gật đầu đến từ các đối tác ở châu Âu.

Anh Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc công ty cho biết sản phẩm của đơn vị là tỏi đen và các mặt hàng chế biến từ tỏi đen. Vì là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe nên yêu cầu từ đối tác rất khắt khe. Do đó, công ty luôn thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng. Đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu được hơn 10 tấn tỏi đen và miến tỏi đen sang các nước EU. Ngoài ra, công ty đang đầu tư hệ thống sấy lạnh để đa dạng các sản phẩm xuất khẩu.

Sản phẩm tỏi đen của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico đã được xuất khẩu sang các nước EU

Sản phẩm tỏi đen của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico đã được xuất khẩu sang các nước EU

Cần đòn bẩy

Năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới là thế mạnh của những doanh nghiệp trẻ. Việc duy trì xuất khẩu trong điều kiện dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho sức bật của các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để có thể bứt phá, vươn xa hơn trên "biển lớn", doanh nghiệp trẻ vẫn cần sự đồng hành, hỗ trợ.

Mặc dù đi sau nhưng Công ty CP Việt Hương (TP Hải Dương) đã gặt hái được nhiều thành công trong xuất khẩu bánh đậu xanh. Trước đây, mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu trung bình từ 50-80 tấn bánh sang thị trường truyền thống là Trung Quốc. Từ khi nước này thắt chặt hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện “Zero Covid” thì hoạt động xuất khẩu ngưng trệ. Trước thực tế này, công ty đã tích cực kết nối, tiếp cận các đối tác Nhật Bản song kết quả chưa thực sự khả quan.

Chị Khúc Hiệp Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trẻ rất cần những thông tin, định hướng thị trường xuất khẩu từ chính quyền, cơ quan chuyên môn để có thể chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chị Phương khẳng định: “Nếu có đơn vị chắp mối, doanh nghiệp sẽ không phải vừa “tự bơi” tìm kiếm thị trường xuất khẩu, vừa lo đổi mới mẫu mã, chất lượng để phù hợp thị hiếu từng nơi”.

Xuất khẩu thành công phần lớn là do nội lực của doanh nghiệp song rất cần hỗ trợ bằng những cơ chế, chính sách cởi mở. Đó là quan điểm của anh Hà Văn Mạnh để doanh nghiệp có thể sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bền vững. Những doanh nghiệp trẻ phải đối mặt nhiều áp lực, sức ép, do đó cần phải tạo động lực để phát huy thế mạnh và khắc phục dần hạn chế, yếu điểm. Từ đó doanh nghiệp mới có thể vững vàng, tự tin tìm kiếm và thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Mặt khác doanh nghiệp trẻ phải có ý tưởng, cách làm táo bạo thì mới có thể đứng vững nhưng đi cùng với đó là phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn. Vì thế, để con đường vươn khơi bớt chông chênh, doanh nghiệp trẻ cần điểm tựa từ nhiều phía để có thể hoạch định chiến lược xuất khẩu bền vững, lâu dài.

DŨNG CƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cong-nghiep/doanh-nghiep-tre-vuon-ra-bien-lon-200759