Doanh nghiệp trên toàn cầu vẫn kiên định với cam kết năng lượng xanh

Dù chính sách môi trường và năng lượng sạch ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bị đảo ngược dưới thời Tổng thống Donald Trump, một khảo sát mới cho thấy giới doanh nghiệp trên toàn cầu vẫn kiên định với cam kết chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.

Trong vòng 10 năm tới, đa số doanh nghiệp trên toàn cầu muốn chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng đến các địa điểm dễ dàng tiếp cận năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đồng thời có ý định chấm dứt sử dụng nhiên liệu trong dài hạn. Ảnh minh họa: Getty Images

Trong vòng 10 năm tới, đa số doanh nghiệp trên toàn cầu muốn chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng đến các địa điểm dễ dàng tiếp cận năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, đồng thời có ý định chấm dứt sử dụng nhiên liệu trong dài hạn. Ảnh minh họa: Getty Images

Theo một cuộc khảo sát thực hiện tại 15 quốc gia với gần 1.500 lãnh đạo cấp cao từ các công ty vừa và lớn, hơn 50% doanh nghiệp dự kiến sẽ di dời hoạt động sản xuất trong vòng 5 năm tới để tiếp cận tốt hơn với các nguồn năng lượng xanh. Tỷ lệ tăng lên tới 89% trong vòng 10 năm

49% doanh nghiệp sẵn sàng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong 5 năm tới nếu thị trường quê nhà thiếu năng lượng xanh. Gần như tất cả doanh nghiệp trong cuộc khảo sát đều ủng hộ “chia tay” với nhiên liệu hóa thạch trong dài hạn để tiến tới tương lai xanh hơn.

Hơn 90% doanh nghiệp xem năng lượng tái tạo là “ưu tiên hàng đầu” khi chọn điểm đến đầu tư mới. Gần 80% thừa nhận yếu tố này ảnh hưởng đến nơi đặt trụ sở và lựa chọn quốc gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Khoảng 93% doanh nghiệp cho biết đang cân nhắc phát triển năng lượng tái tạo ngay tại địa điểm sản xuất và kinh doanh của họ.

“Các kế hoạch này nếu được thực hiện sẽ gây tác động lớn đến tính cạnh tranh quốc tế và doanh thu nội địa của nhiều quốc gia”, báo cáo khảo sát cho biết.

Cuộc khảo sát được tiến hành theo đơn đặt hàng của tổ chức tư vấn chuyên về môi trường E3G và hai chức phi lợi nhuân tập trung vào khí hậu Beyond Fossil Fuels và We Mean Business Coalition. Danh sách các nước có doanh nghiệp tham gia khảo sát bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Brazil và Ấn Độ.

Kể từ lúc ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng và đảo ngược các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo, có mối lo ngại rằng giới doanh nghiệp có thể phải "tháo lui" trước cam kết chuyển đổi xanh. Nhưng cuộc khảo trên cho thấy mối lo ngại đó không có cơ sở.

Dù đây là cuộc khảo sát ẩn danh, một số doanh nghiệp lớn như tập đoàn năng lượng tái tạo Iberdrola (Tây Ban Nha), tập đoàn quản lý năng lượng và tự động hóa Schneider Electric của Pháp đều công khai ủng hộ kết quả này.

Gonzalo Saénz de Miera, giám đốc toàn cầu về biến đổi khí hậu của Iberdrola nhấn mạnh, chuyển đổi nhanh sang năng lượng tái tạo và điện hóa không chỉ hợp lý về kinh doanh mà còn đảm bảo an ninh và tính bền vững cho năng lượng.

“Doanh nghiệp trên toàn cầu nhận ra cần phải nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo” Liz Minné, giám đốc phát triển bền vững toàn cầu của Interface, công ty kinh doanh sản phẩm lát sàn nhà ở Mỹ nói.

Hơn 3/4 doanh nghiệp trong cuộc khảo sát ủng hộ hệ thống điện dựa trên năng lượng tái tạo vận hành trước năm 2035, thậm chí sớm hơn. Phần lớn doanh nghiệp muốn bỏ qua khí đốt để chuyển hướng thẳng sang năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ điện.

“Dù chính trị hay kinh tế bất ổn, giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hết lòng ủng hộ chuyển đổi nhanh sang năng lượng tái tạo” Nick Mabey, CEO của E3G nói.

Dù Tổng thống Trump ưu ái mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch, 97% lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ trong cuộc khảo sát vẫn muốn chính phủ đẩy mạnh cung cấp năng lượng tái tạo cho lưới điện. Từ khi nhậm chức hồi tháng Giêng, Tổng thống Trump rút lại hàng loạt chính sách khí hậu, đe dọa áp thuế, khiến nỗi lo chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang, đẩy chi phí chuyển đổi năng lượng tăng vọt. Tuần trước, ông ra lệnh dừng xây dựng một dự án điện gió ngoài xa bờ lớn ở New York.

Việc Liên minh châu Âu (EU) tập trung huy động tài chính để tái vũ trang sau lời đe dọa của ông Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đặt ra lo ngại lục địa này có thể xao nhãng cam kết xanh.

Nhưng 78% lãnh đạo doanh nghiệp ở Đức trong cuộc khảo sát tin rằng, tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ giúp đất nước giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu.

Tại Anh, 55% lãnh đạo doanh nghiệp xem năng lượng tái tạo là động lực tăng trưởng kinh tế. Tại Ấn Độ, nơi nền kinh tế phụ thuộc vào nhiệt điện than, 84% lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ chuyển sang điện tái tạo trong thập niên tới.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-tren-toan-cau-van-kien-dinh-voi-cam-ket-nang-luong-xanh/