Doanh nghiệp Trung Quốc bươn chải tìm đơn hàng xuất khẩu
Trung Quốc đóng cửa suốt ba năm dịch Covid-19. Sự tách biệt này khiến các đơn hàng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài giảm dần. Nay chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước mở rộng xuất khẩu sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách kiểm soát Covid-19 hà khắc. Ít nhất chín tỉnh, bao gồm Quảng Đông, Triết Giang và Giang Tô, đang hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu tham dự các triển lãm quốc tế để lấy các đơn hàng nước ngoài.
Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tổ chức các dịch vụ rộng rãi như vậy cho doanh nghiệp kể từ sau đại dịch. Một số chính quyền địa phương còn cung cấp các chuyến bay thuê bao để đưa các doanh nhân ra nước ngoài.
Tìm lại cơ hội
Dubai là điểm dừng thứ nhất trong chuyến công tác nước ngoài đầu tiên sau ba năm Covid của Chen Yuan, một nhà xuất khẩu máy tính và linh kiện điện thoại của Trung Quốc. Ông mô tả việc gặp lại một số khách hàng lâu năm là “cuộc hội ngộ thú vị của những người bạn cũ”.
“Trong ba năm, họ không vào Trung Quốc, còn chúng tôi không thể ra bên ngoài”, Chen kể. Ông nói rằng một khách hàng đã rất vui khi nói “lâu lắm rồi mới gặp một người Trung Quốc”.
Chuyến đi của Chen bắt đầu ngày 6-12-2022 cùng với đoàn khoảng hơn chục doanh nhân và quan chức từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Triết Giang. Sau bốn ngày gặp gỡ khách hàng cũ và mới tại các sự kiện ở Dubai, đoàn lại bay đến Jakarta (Indonesia).
Ngày Chen đến Indonesia, doanh nhân ngành dệt may Shen Wei từ thành phố Gia Hưng lân cận trở về từ Nhật Bản trên chuyến bay thuê bao do chính quyền tổ chức. Hơn 90 đại diện các hãng dệt may đã tham dự Hội chợ Thời trang châu Á dài ba ngày ở Tokyo.
Nhu cầu của thị trường phương Tây đang suy giảm, quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đang tăng tốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc nhận thức rằng cần có thời gian để họ lấy lại ba năm đóng cửa vì Covid-19.
Gao Zhendong là nhà đầu tư kiêm tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư các dự án công nghiệp và tài chính ở các nước Đông Nam Á trong những năm gần đây. Ông nói rằng các chuyến đi này là một tín hiệu tích cực và cần thiết cho các nhà đầu tư và các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Trong khi đó, Giáo sư kinh tế John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng: “Điều đó cho thấy chính quyền các địa phương đang thật sự lo ngại và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự. Giáo sư nói thêm không rõ liệu những sáng kiến này có giúp số lượng đơn hàng tăng hay không.
Vào thời điểm này trong năm, nhà máy của Shen – chuyên về len và sợi cashmere – thường nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Nhưng năm nay, đơn hàng nước ngoài chậm lại. Sự gián đoạn sản xuất do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc đã khiến khách hàng nước ngoài tìm nhà cung ứng thay thế.
“Khách hàng nước ngoài quan tâm nhất đến sự ổn định của chuỗi cung ứng – nghĩa là liệu sản phẩm có được giao đúng hạn hay không. Khi tình trạng bất định, không chắc chắn trong sản xuất tiếp tục tăng ở Trung Quốc, họ sẽ dần chuyển sang tìm kiếm các giải pháp thay thế ở Đông Nam Á”, Shen nói.
Tìm kiếm khách hàng mới thậm chí còn cấp bách hơn đối với Chen. Thị trường Mỹ vốn chiếm thị phần lớn nhất của công ty đã bị thu hẹp đáng kể sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump áp thuế 25% khi đối đầu thương mại Mỹ – Trung nổ ra. “Giờ nhu cầu từ châu Âu cũng đang giảm. Khủng hoảng năng lượng và tình hình Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến chúng tôi”, Chen nói. Mở rộng thị trường ở Trung Đông và Đông Nam Á là mục tiêu chính của Chen.
Nền tảng bán buôn trực tuyến Alibaba.com cũng đã kết nối hàng ngàn nhà xuất khẩu nhỏ và vừa của Trung Quốc với người mua tiềm năng trong khoảng 100 triển lãm ở nước ngoài. Alibaba.com sẽ cử các nhóm nhân viên đến triển lãm để dựng màn hình LED nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc có thể giới thiệu trực tuyến các sản phẩm mà không cần ra nước ngoài. Gã khổng lồ thương mại điện tử cũng có kế hoạch cử các nhà cung cấp Trung Quốc trực tiếp tham dự các cuộc triển lãm này nếu họ có đủ khả năng tài chính.
Trung Quốc hiện vẫn yêu cầu khách nhập cảnh cách ly tám ngày tại khách sạn hoặc tại nhà. Số lượng các chuyến bay quốc tế vẫn chưa trở lại bình thường. Vì vậy, số người có thể đi nước ngoài vẫn là thiểu số. Nhưng bất chấp các hạn chế, trước đó một số nhà xuất khẩu đã chủ động tìm cách ra nước ngoài.
Lu Hua, chủ một hãng gia công linh kiện và khuôn mẫu chính xác có trụ sở tại Quảng Đông, đã khởi hành từ Trung Quốc vào đầu tháng 10 để thăm khách hàng ở Bắc Mỹ và chuẩn bị cho một nhà máy mới ở Việt Nam. Đoàn của ông đã trở lại Trung Quốc vào cuối tháng 11 vừa rồi, trước khi chính phủ nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch cứng nhắc.
Lu nói rằng từ lãnh đạo trung ương đến địa phương đều khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài, thu hút thêm nhiều đơn hàng. Nhưng, Lu nhận ra rằng một số đơn hàng có thể bị mất vĩnh viễn khi ngày càng nhiều công ty đa quốc gia thực hiện chiến lược “Trung Quốc + 1”, tức đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Xuất khẩu vẫn yếu trong nửa đầu năm tới
Theo hãng tư vấn hậu cần Descartes, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong tháng 10-2022 đã tăng 0,2% so với tháng 9. Nhưng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đạt 45.071 TEU, giảm 5,5% so với tháng trước. Sự sụt giảm từ Trung Quốc được bù đắp bằng sự gia tăng từ Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và các nước khác.
Christian Roeloffs, đồng sáng lập kiêm CEO nền tảng về hậu cần Container xChange, nói rằng: “Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những nỗ lực hướng tới đa dạng hóa nguồn cung ứng và sản xuất chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11 sau khi giảm 0,3% trong tháng 10.
Nhiều chính quyền địa phương có kế hoạch cử thêm đoàn doanh nghiệp ra nước ngoài để lấy lại các đơn đặt hàng xuất khẩu. Nhưng hầu hết các nhà kinh tế dự đoán xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong nửa đầu năm tới khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, cho biết ông dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ “vẫn khá yếu” trong vài tháng tới do tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu gia công và lắp ráp trong tháng 11 giảm mạnh. Đây là các chỉ dấu cho tăng trưởng xuất khẩu.
Trong khi đó, các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng lo lắng về sự cạnh tranh khốc liệt hơn giữa các công ty Trung Quốc khi thị phần ở nước ngoài bị thu hẹp. Shen nói: “Môi trường chung rất khắc nghiệt. Với các công ty nhỏ như chúng tôi, bước tiếp theo là xắn tay áo lên và vào trận”.
Nguồn: South China Morning Post, Nikkei Asia