Doanh nghiệp Trung Quốc đau đầu vì vừa dư thừa công suất vừa bị Mỹ áp thuế quan
Quyết định áp thuế bổ sung 10% từ ngày 4/2 với hàng Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dư thừa công suất tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới...

Dây chuyền sản xuất sản phẩm nhôm tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Các nhà sản xuất Trung Quốc, từ doanh nghiệp thanh thép cho đến nội thất, tấm pin năng lượng mặt trời, đều đang trong tình trạng thua lỗ sau thời gian dài chật vật cạnh tranh do nhu cầu yếu và thừa mứa hàng hóa.
Theo phân tích của tờ báo Nikkei Asia dựa trên dữ liệu của công ty Wind Information, tính từ đầu năm tới quý 3/2024, hơn 23% công ty niêm yết Trung Quốc ghi nhận lỗ, so với tỷ lệ 20% cùng giai đoạn của năm 2023 và dưới 10% của năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
VÒNG LUẨN QUẨN
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng thuế quan bổ sung 10% và các chính sách thuế quan khác của ông Trump với hơn 400 tỷ USD hàng Trung Quốc vào Mỹ có thể đẩy thêm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào khủng hoảng tài chính.
Bên cạnh đó, thuế quan cũng đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi quốc gia tỷ dân. Tất cả những điều này tạo thêm gánh nặng cho thị trường việc làm vốn mong manh và nền kinh tế đang chịu áp lực giảm phát nặng nề của Trung Quốc.
“Việc dịch chuyển dây chuyền sang quốc gia thứ ba có thể bảo vệ các nhà sản xuất Trung Quốc khỏi cú sốc thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, việc này lại có tác động tiêu cực với nền kinh tế Trung Qốc bởi khiến họ mất đi việc làm”, ông Chen Zhiwu, giáo sư tài chính tại Đại học Hồng Kông, nhận xét.
Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc chưa quyết liệt trong việc giảm nguồn cung trong nước do mô hình tăng trưởng phụ thuộc lớn vào đầu tư của nước này. Tuy nhiên, do nhu cầu không đủ để hấp thụ sản lượng khổng lồ, các nhà sản xuất phải giảm giá để duy trì cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và nước ngoài. Điều này gây ra một “vòng luẩn quẩn”, trong đó nhu cầu yếu và lợi nhuận giảm buộc các doanh nghiệp phải hạn chế đầu tư mới và sa thải nhân sự.
Tháng 11 năm ngoái, Hiệp hội Công nghệp Nguồn điện Trung Quốc (CIAPS) kêu gọi các nhà sản xuất pin lithium nước này hành động để tránh “một cuộc cạnh tranh tàn khốc”. Nằm trong nỗ lực ít ỏi nhằm hạn chế dư thừa công suất trong nước, tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời giảm sản lượng và không giảm giá quá mạnh để ngăn chặn tác động tiêu cực tới toàn ngành.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời phải có biện pháp để kích cầu trong nước để từ đó nâng cao vai trò của tiêu dùng trong nền kinh tế.
“Vì luôn có các đối thủ cạnh tranh, rất khó để doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm sản lượng hay hạn chế giảm giá”, ông Kelvin Lam, nhà kinh tế cấp cao tại công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, nhận xét. “Điều quan trọng là nhu cầu yếu”.
HÀNG RÀO THUẾ QUAN DÂNG CAO
Trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu, doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, rào cản thuế quan với hàng Trung Quốc tại các thị trường khác ngày càng dâng cao.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) tăng thuế quan với ô tô điện Trung Quốc. Trong khi đó, Chính phủ Indonesia có kế hoạch áp thuế quan tối đa 200% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm dệt may và gốm sứ.
Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ cho biết đang cân nhắc áp thuế quan tạm thời từ 15-25% với thép nhập khẩu từ Trung Quốc do “những thách thức nghiêm trọng” mà thép giá rẻ Trung Quốc đang gây ra cho các doanh nghiệp nội địa của nước này.
Cũng trong tuần trước, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 4/3. Động thái này được dự báo sẽ tác động lớn tới ngành thép Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới. Dù đã hạn chế sản lượng xuống mức thấp nhất 5 năm, sản lượng của các sản xuất thép Trung quốc năm 2024 vẫn đạt hơn 1 tỷ tấn - tương đương tổng sản lượng của Mỹ, Nhật Bản và Đức cộng lại.
Tình huống vừa dư thừa công suất vừa bị tăng thuế quan đẩy các nhà sản xuất thép Trung Quốc rơi vào khủng hoảng. Maanshan Iron & Steel, công ty con thuộc Tập đoàn Thép China Baowu Steel Group - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới về sản lượng - ước tính lỗ ròng 4,59 tỷ nhân dân tệ (629 triệu USD) trong năm 2024. Đây là khoản lỗ lớn gấp 3 lần so với năm trước của công ty này.
Angang Steel, một nhà sản xuất thép lớn khác của Trung Quốc, cũng cho biết có thể lỗ ròng 7,1 tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái, nhiều gấp đôi so với năm 2023.
Cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp lỗ nặng nhất, các nhà sản xuất tấm wafer năng lượng mặt trời và tấm pin polysilicon Trung Quốc đang phải đối mặt mức thuế quan tối đa 60% của Mỹ do các chính sách thương mại từ cả chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden và chính quyền Trump.
Tongwei, một trong những nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời lớn nhất Trung Quốc, gần đây thông báo với cổ đông về khoản lỗ ước tính 7,5 tỷ nhân dân tệ trong năm ngoái cuộc chiến giá.
Theo số liệu chính thức, lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp Trung Quốc năm 2024 giảm 3,3% so với năm trước, đánh dấu năm giảm thứ ba liên tiếp.