Mưu sinh bằng nghề làm thuê
Vì hoàn cảnh gia đình cũng như cuộc sống có những lý do khác nhau mà mỗi người đã chọn cho mình một nghề riêng, trong đó có làm thuê mưu sinh.

Ông Chau Rin vận chuyển phân để bón cho vườn cây ăn trái. Ảnh: An Nhơn
Dù làm thuê nhiều vất vả nhưng đã giúp nhiều người có thu nhập, lo cho bản thân và gia đình.
Chọn công việc phù hợp
Đúng 7h hàng ngày, ông Chau Rin (45 tuổi, người dân tộc Khmer, quê tỉnh An Giang) đã có mặt tại trang trại nuôi bò thịt với số lượng trên 30 con lớn, nhỏ ở ấp 4, xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) để nhận nhiệm vụ làm thuê cho chủ trang trại. Công việc hàng ngày của ông Chau Rin là dọn dẹp vệ sinh, xịt rửa chuồng trại sạch sẽ; đi cắt cỏ rồi mang về cho bò ăn; theo dõi, chăm sóc thường xuyên để đàn bò phát triển khỏe mạnh… Ngoài ra, ông Chau Rin còn phải làm nhiều việc khác như: phát dọn cỏ trong vườn bưởi; xịt thuốc, bón phân cho cây trồng; thường xuyên theo dõi, chăm sóc vườn cây ăn trái tươi tốt và cho năng suất cao.
Trong lúc ngồi nghỉ ngơi, trò chuyện với chúng tôi, ông Chau Rin chia sẻ, hoàn cảnh gia đình lúc còn ở tỉnh An Giang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nên năm 2010, ông đưa vợ đến Đồng Nai tìm việc làm. Quyết định của ông nhằm hy vọng cuộc sống tương lai tốt hơn.
Thời gian đầu, ông Chau Rin xin vào làm công nhân cho một công ty chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (đóng trên địa bàn xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu). Công việc ổn định, thu nhập đảm bảo nên ông yên tâm làm việc tại công ty 9 năm liền. Đến năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp khó khăn, khiến nhiều công nhân thất nghiệp. Từ đó, ông Chau Rin quyết định nghỉ làm ở công ty để đi làm thuê (chăn nuôi bò, chăm sóc vườn cây ăn trái) cho một chủ trang trại tại xã Bình Lợi và duy trì ổn định từ đó đến nay đã gần 5 năm.
“Gia đình nhiều đời gắn bó với nghề nông, bản thân tôi nắm vững kỹ thuật chăm sóc ruộng vườn, chăn nuôi cũng như quen với công việc cực nhọc. Cho nên, việc tôi đi làm thuê diễn ra suôn sẻ. Thậm chí, tôi làm việc rất trách nhiệm, hiệu quả nên được chủ vườn tin tưởng giao việc làm ổn định, gắn bó từ nhiều năm nay” - ông Chau Rin bộc bạch.
Ông Chau Rin cho biết, hiện thu nhập từ việc làm thuê của ông khoảng 15 triệu đồng/tháng và được gia đình người chủ lo chỗ ăn, ở đầy đủ. Ngoài ra, vợ của ông làm công nhân cho một công ty sản xuất giày da xuất khẩu (ở Khu công nghiệp Thạnh Phú, xã Thạnh Phú) và người con trai lớn làm công nhân cho một công ty tại thành phố Biên Hòa. Cả 2 người đều có việc làm ổn định với mức lương hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông Chau Rin ngày càng nâng lên và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang ở quê, lo cho con ăn học đàng hoàng.
“Niềm vui lớn nhất của tôi là gia đình đã chăm lo cho người con gái học tới đại học (đang học ở Trường đại học Cần Thơ) để sau này có thể tìm một công việc nhẹ nhàng, đảm bảo cuộc sống” - ông Chau Rin tâm sự.
Năm 2015, anh Bùi Quốc Việt (35 tuổi) cùng vợ rời miền quê nghèo khó của tỉnh Sóc Trăng để đến thành phố Biên Hòa thuê nhà trọ ở và tìm việc làm mưu sinh. Thời gian đầu, vợ chồng anh đi phụ hồ nhưng công việc nặng nhọc và không ổn định, nên vợ chồng anh chỉ làm 2 năm rồi tìm việc khác phù hợp hơn.
Lần này may mắn cho vợ chồng anh Việt là được người chủ nhận về lo chỗ ăn, ở để phụ giúp công việc quản lý, chăm sóc vườn trồng cam, bưởi rộng hơn 1 hécta tại xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu). Thấy ông chủ tốt bụng, công việc phù hợp, mức lương đảm bảo nên vợ chồng anh Việt quyết định gắn bó đến nay đã 8 năm.
Anh Việt cho biết: “Khu đất này do ông chủ ở thành phố Biên Hòa mua và đầu tư làm vườn cây ăn trái. Dự định sau này của ông chủ là chuyển đổi vườn cây ăn trái thành mô hình du lịch sinh thái vườn, nên anh hy vọng sẽ có việc làm ổn định tại đây”.
Những người làm thuê như ông Chau Rin, ông Phạm Tấn Nhất, vợ chồng chị Bùi Thị Phiếu… luôn đặt uy tín lên hàng đầu và làm việc rất trách nhiệm, siêng năng, đạt hiệu quả cao. Hơn nữa, họ có đức tính tốt, hiền lành, chân thật và luôn sống hòa đồng với những người xung quanh… Chính những điều đó đã giúp họ luôn được những người thuê yêu quý và tận tình hỗ trợ, giúp đỡ trong công việc cũng như cuộc sống.
Đảm bảo cuộc sống
Thời tiết Đồng Nai đang vào đầu mùa khô nên khu vườn trồng bưởi và mít rộng hơn 4 sào của ông Phạm Tấn Nhất (ở khu phố Suối Tre, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh) bắt đầu “khát nước”. Những ngày qua, ông Nhất thường xuyên bận rộn với việc tưới nước cho vườn cây ăn trái. Nhìn vườn cây xanh tốt nhờ chăm sóc kịp thời, ông Nhất phấn khởi chia sẻ, khu vườn cây ăn trái này có được như hôm nay là nhờ vào tiền làm thuê của ông trong mấy mươi năm qua.
Ông Nhất giải thích, gia đình ông trước đây gắn với nhiều “cái không”: không có đất đai canh tác, không có công việc ổn định… Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng ông không mặc cảm trước số phận mà luôn tìm cách để vươn lên. Ông đi làm thuê, làm mướn cho các chủ vườn trong vùng và nhận làm đủ mọi việc từ phát dọn cỏ, xịt thuốc trị bệnh cây trồng, tưới nước, bón phân cho đến chăm sóc vườn cây ăn trái... Nhờ công việc diễn ra quanh năm nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.

Nhiều người làm thuê đã có việc làm ổn định tại chợ cá Phú Cường (thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Định Quán). Ảnh: A.Nhơn
Đặc biệt, trong thời gian đi làm thuê, ông Nhất phát hiện cây sầu riêng vào thời điểm đậu nhiều trái lớn thường xảy ra tình trạng gãy nhánh, thậm chí đổ ngã cây (do sản lượng trái quá nhiều cộng với thời tiết xảy ra mưa to, gió lớn…). Điều này đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con nông dân. Từ đó, ông quyết định làm nghề “cột sầu riêng” và gắn bó với nghề trên 30 năm nay. Hiện ông Nhất là một trong những người gắn bó với nghề lâu năm và giỏi nhất vùng.
“Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên một số cây sầu riêng sau khi cột xong vẫn bị gãy đổ do mưa to, gió lớn. Tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu thông tin trên sách, báo; tham quan học hỏi từ những người giàu kinh nghiệm đi trước; đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn… Nhờ đó, tôi đã nắm vững kỹ thuật cột cây sầu riêng không bị gãy, ngã đổ và tỷ lệ thành công đạt trên 90%” - ông Nhất chia sẻ.
Theo ông Nhất, nhờ làm ăn uy tín, hiệu quả nên việc chăm sóc vườn thuê nói chung và nghề “cột sầu riêng” nói riêng ổn định quanh năm và được các chủ vườn trả lương từ 500-600 ngàn đồng/ngày (tùy theo đặc thù từng công việc). Nhờ đó, điều kiện kinh tế gia đình ông ngày càng được nâng lên và có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố; mua đất đầu tư canh tác trồng trọt để tăng thu nhập và lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Năm 2014, vợ chồng chị Bùi Thị Phiếu và anh Nguyễn Hữu Nam (ngụ ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, huyện Định Quán) đi làm công nhân cho một công ty chuyên về may mặc ở thành phố Biên Hòa. Tuy nhiên, vợ chồng chị Phiếu làm được 4 năm thì xin nghỉ để tìm kiếm việc làm khác phù hợp hơn.
Trong lúc trở về nhà tìm việc, vợ chồng chị Phiếu biết thông tin chủ vựa cá ở chợ cá Phú Cường (khu vực lòng hồ Trị An, xã Phú Cường, huyện Định Quán) đang có nhu cầu tuyển lao động nên đã đến đăng ký vào làm thuê. Công việc gần nhà, mức lương đảm bảo nên vợ chồng chị quyết định gắn bó công việc cho đến nay đã được 7 năm.
Những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các vùng nông thôn (nhất là những mô hình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình du lịch sinh thái vườn…) đã được các nhà đầu tư, người dân quan tâm. Nhờ đó, đã giúp cho nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202502/muu-sinh-bang-nghe-lam-thue-5e3671e/