Doanh nghiệp Trung Quốc ôm nợ

Hệ thống tài chính của Trung Quốc đang có một quả bom nổ chậm: hơn 200 tỉ đô la Mỹ lưu hành trong hệ thống dưới dạng hối phiếu thương mại đang được giao dịch dưới giá trị ghi trên hối phiếu.

 Sự xuất hiện trở lại các hối phiếu thương mại cho thấy áp lực thanh toán đang đè nặng lên doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh Reuters.

Sự xuất hiện trở lại các hối phiếu thương mại cho thấy áp lực thanh toán đang đè nặng lên doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh Reuters.

Thay vì vay ngân hàng để có tiền mua vật tư, nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp phát hành hối phiếu thương mại để trả cho bên bán - đây thực chất là giấy ghi nhận nợ, hứa hẹn sẽ trả vào một thời điểm nào đó. Các ngân hàng cũng tham gia vào dịch vụ này, bảo lãnh cho bên nhận nợ nên loại giấy tờ có giá này có tên chính thức là “commercial acceptance bill”. Số liệu chính thức từ Trung Quốc do tờ New York Times trích dẫn cho biết tổng giá trị hối phiếu thương mại đang lưu hành lên đến 211 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 30% so với năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết họ phải chấp nhận được thanh toán bằng hối phiếu thương mại, bằng không thì không có khách. Từ đó một chuỗi thanh toán hình thành: sau khi nhận hối phiếu thương mại từ đối tác đầu tiên, doanh nghiệp lại dùng chính hối phiếu thương mại đó để chi trả cho đối tác của họ và cứ thế tờ giấy nợ cứ xoay vòng, mỗi lần trao tay giá trị lại giảm thêm để kích thích bên nhận chịu ôm nợ.

Hiện nay, đã hình thành một thị trường mua bán hối phiếu và mức chiết khấu tùy thuộc vào uy tín của bên phát hành. Doanh nghiệp càng lớn thì mức giảm giá càng ít, doanh nghiệp nhỏ phải giảm giá nhiều mới bán được.

Trung Quốc từng trải qua cuộc khủng hoảng hối phiếu ghi nợ cách đây chừng 20 năm. Lúc đó giấy nợ chủ yếu do các doanh nghiệp nhà nước phát hành, lên đến 86 tỉ đô la Mỹ. Sau cùng Chính phủ Trung Quốc phải can thiệp, tái cấu trúc lại nợ và xóa nhiều khoản nợ. Các chuyên gia cho rằng sự xuất hiện trở lại các hối phiếu thương mại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đến hồi gay gắt cho thấy áp lực thanh toán đang đè nặng lên doanh nghiệp Trung Quốc.

New York Times phỏng vấn Xu Jiang, đại diện một công ty kiến trúc và quy hoạch đô thị ở Shenzhen, ông này cho biết khách hàng của công ty bắt đầu trả bằng hối phiếu thương mại cách đây hai năm. Giờ thì khách hàng, chủ yếu là các công ty địa ốc, chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước thích chi trả bằng hối phiếu hơn tiền mặt.

Ông Xu Jiang, Giám đốc điều hành Zhubo Design, cho biết khi các công ty địa ốc trả bằng hối phiếu, ông không dám nhận vì không biết ai sẽ đứng ra trả tiền cho công ty ông khi đáo hạn, nhưng nếu không nhận thì không có tiền. Cuối cùng các doanh nghiệp trung gian như Zhubo buộc phải trở thành một mắt xích bất đắc dĩ trong chuỗi thanh toán này.

Các doanh nghiệp trung gian lớn như Zhubo còn có thể xoay xở với tình trạng thiếu tiền mặt. Khổ nhất là các doanh nghiệp nhỏ, phải chờ nhiều tháng mới được thanh toán, chờ không nổi thì phá sản. Tính đến tháng 7, có 281 công ty nộp hồ sơ phá sản. Cùng kỳ năm ngoái có 200 công ty tuyên bố phá sản.

Một trong những doanh nghiệp địa ốc phát hành hối phiếu lớn nhất Trung Quốc hiện nay là Evergrande. Tính đến cuối năm ngoái doanh nghiệp này đã phát hành 20 tỉ đô la Mỹ hối phiếu cho các nhà cung ứng. Còn Bauing Construction Holding Group, một nhà cung ứng vật tư lớn tại Trung Quốc, cho biết họ đang nắm giữ 96,4 triệu đô la Mỹ hối phiếu của Evergrande.

Công ty này còn cung cấp một danh sách dài các doanh nghiệp khác đang nợ họ dưới dạng hối phiếu thương mại như doanh nghiệp nhà nước China State Construction Engineering. Theo thông tin từ China State Construction Engineering, họ đã phát hành 490 triệu đô la Mỹ hối phiếu thương mại cho các nhà cung ứng tính đến cuối năm rồi.

Một doanh nghiệp địa ốc lớn khác, Greenland Holding, hiện có nhiều dự án địa ốc ở hàng chục thành phố khắp Trung Quốc đã phát hành 550 triệu đô la hối phiếu cho các nhà cung ứng, theo báo cáo thường niên của doanh nghiệp này. Con số này gấp 10 lần số hối phiếu họ phát hành vào năm 2017.

Riêng China Resources, một tập đoàn nhà nước hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng đến y tế đã phát hành lượng hối phiếu gấp đôi năm trước, tính đến năm ngoái đã lên đến 2,7 tỉ đô la Mỹ.

Những thông tin kiểu này đang gây lo ngại cho giới quản lý, nhất là với các công ty niêm yết. Đã có một số công ty bị các sở giao dịch chứng khoán yêu cầu giải trình về mức tăng đột biến lượng hối phiếu phát hành. Như RiseSun Real Estate Development một doanh nghiệp địa ốc có các dự án ở nước ngoài năm ngoái đã tăng lượng hối phiếu nhận nợ đến 13 lần.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292778/doanh-nghiep-trung-quoc-om-no-.html