Doanh nghiệp Trung Quốc xoay trục xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ

Một số doanh nghiệp thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại Trung Quốc cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nhất định từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhưng họ vẫn tự tin có thể vượt qua thách thức.

Cảng hàng hóa ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Cảng hàng hóa ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Trước những tác động ngày càng rõ nét từ các biện pháp thuế quan bảo hộ của Mỹ, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang chủ động điều chỉnh chiến lược xuất khẩu, mở rộng thị trường và khẳng định năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường toàn cầu.

Theo thông tin từ Thời báo Hoàn cầu, đại diện một số doanh nghiệp thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau tại Trung Quốc cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nhất định từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhưng họ vẫn tự tin có thể vượt qua thách thức nhờ việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và duy trì lợi thế cạnh tranh về chất lượng, chi phí.

Ông Yao Zhengzheng, Chủ tịch Công ty Zhengzheng Electronic Commerce Co. – một doanh nghiệp thương mại điện tử có trụ sở tại thành phố Ninh Ba – chia sẻ công ty của ông không quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Theo ông Yao, nếu một thị trường không còn thuận lợi, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển hướng sang thị trường khác. Với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, công ty vẫn duy trì được sức cạnh tranh nhờ chất lượng sản phẩm và hiệu quả chi phí, bất chấp những lo ngại từ căng thẳng thương mại.

Tương tự, bà Wang Xiaonan, Tổng giám đốc Công ty Conan Tools – một doanh nghiệp sản xuất dụng cụ cầm tay có trụ sở tại thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang – cho biết công ty đang mở rộng hoạt động sang thị trường châu Phi. Gần đây, công ty đã cử một quản lý sang khu vực này để khai thác cơ hội và tiến hành đàm phán thương mại. Theo bà Wang, trước đây công ty chưa từng có khách hàng tại châu Phi hay Nam Mỹ, nhưng hiện nay đang từng bước mở rộng hiện diện tại các khu vực này nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, nơi doanh thu chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng xuất khẩu của công ty.

Đại diện một nhà máy sản xuất đồ chơi tại thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, tiết lộ công ty đã và đang chuyển hướng trọng tâm sang các thị trường châu Âu và Đông Nam Á. Doanh nghiệp này tăng cường đàm phán thương mại với các khu vực nêu trên nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời có kế hoạch cắt giảm lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ sau khi hoàn tất các lô hàng hiện tại. Theo đại diện này, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ của công ty dự kiến sẽ giảm từ 50% xuống còn 10–20%, và giá bán có thể tăng do phần chi phí thuế quan sẽ được chuyển sang người tiêu dùng cuối.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên phát triển robot thú cưng thông minh, cho biết doanh nghiệp của ông đã có chiến lược đa dạng hóa thị trường từ nhiều năm trước bằng cách đồng thời đưa sản phẩm ra thị trường châu Âu và Đông Nam Á, nhằm giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.

Trước câu hỏi về các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc nhằm giúp doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với thuế quan của Mỹ, người phát ngôn Bộ Thương mại nước này cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định chính sách và môi trường kinh doanh, sử dụng “sự chắc chắn trong nước để bù đắp sự bất định từ bên ngoài”.

Theo đó, Trung Quốc sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bằng cách thúc đẩy tiêu thụ trong nước, triển khai các chính sách như “đổi cũ lấy mới” đối với hàng tiêu dùng và đẩy mạnh các sáng kiến thúc đẩy hội nhập thương mại trong và ngoài nước.

Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhấn mạnh, với tiềm năng thị trường nội địa khổng lồ, cùng các chính sách ổn định và linh hoạt, ngành ngoại thương Trung Quốc đủ năng lực thích ứng và vượt qua những rủi ro cũng như thách thức ngày càng gia tăng trên thị trường toàn cầu.

Hải Yến (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-trung-quoc-xoay-truc-xuat-khau-giam-phu-thuoc-vao-thi-truong-my/369851.html