Doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản vì bất cập chính sách

Trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn, lãi suất cao, nhất là những vướng mắc liên quan tới việc chậm hoàn thuế VAT… có thể đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh phá sản.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng tư vấn Cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ), vừa có báo cáo Thủ tướng về một số vướng mắc mà doanh nghiệp (DN) gặp phải hiện nay. Trong đó, nổi lên là những vướng mắc liên quan tới chính sách thuế như việc chậm hoàn thuế VAT cho DN ngành gỗ, cao su…; khó khăn trong đóng thuế VAT cho các DN ngành giấy cần thu mua phế liệu…

Doanh nghiệp gặp áp lực về dòng tiền

Theo phản ánh của các DN, cơ chế hoàn thuế VAT thể hiện mục tiêu khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế VAT sẽ hỗ trợ DN về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho DN khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ kêu cứu vì bị chậm hoàn thuế VAT.

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ kêu cứu vì bị chậm hoàn thuế VAT.

Tuy nhiên, quy trình hoàn thuế giá trị gia tăng hiện đang kéo dài và không có thời hạn cụ thể khiến DN bị động, số tiền chờ hoàn của các DN lên hàng nghìn tỷ đồng, trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với DN, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay. Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều DN sẽ phải tuyên bố phá sản.

Ông Thang Văn Thông, đại diện Công ty Hào Hưng – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu dăm gỗ bày tỏ nỗi bức xúc của mình khi thị trường xuất khẩu có xu hướng giảm, vốn DN đọng trong khâu hoàn thuế VAT. Trong khi đó, các khoản phải chi như tiền công nhân, lãi suất ngân hàng, tiền hàng,… hàng ngày DN vẫn phải xoay sở.

Chính sách hoàn thuế VAT hiện nay của cơ quan thuế khiến các DN như Hào Hưng khốn đốn, nhiều DN đối mặt với nguy cơ phá sản khi không thể xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng đến F0 cuối cùng.

“Một tàu dăm xuất khẩu trị giá trên dưới 100 tỷ, thuế hoàn khoảng 8% - tương đương khoảng 8 tỷ. Mỗi một tháng khu vực cảng Cái Lân xuất khoảng 15 tàu. Như vậy, mỗi tháng hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế các DN khu vực này bị tồn đọng. Nếu tồn đọng chồng tồn đọng thì các DN không còn vốn đề kinh doanh”, ông Thông cho biết.

Còn theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, DN trong nước rất mong muốn đẩy mạnh hoạt động tái chế giấy đã qua sử dụng, hướng đến sản xuất tuần hoàn. Tuy nhiên, khi thu mua giấy và phế liệu từ những kênh thu gom trong nước thì hầu hết không có hóa đơn, do đó không đảm bảo chứng minh nguồn gốc. Điều này tạo ra khó khăn cho DN trong chứng minh xuất xứ và hoàn thuế VAT 10%.

Sau khi có kiến nghị của ngành giấy, Tổng Cục thuế cho phép làm các bảng kê nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu thu mua tập trung của nhiều DN nên DN vẫn tiếp tục gặp khó khăn và tốn nhiều công sức làm chứng từ, bảng kê để đáp ứng các quy định hiện hành của pháp luật.

Tạo đà cho DN phục hồi

Bên cạnh bất cập chính sách thuế, Ban IV cũng kiến nghị trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, DN, hiệp hội kiến nghị một số chính sách hoặc khâu thực thi chính sách trong nước chưa theo kịp diễn biến thị trường quốc tế. Điều này đang gây khó khăn và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các ngành và các DN nội địa.

Cụ thể, các DN logistics và kinh doanh vận tải, cảng biển phản ánh sự chậm điều chỉnh các quy định liên quan giá bốc xếp cảng biển, thời gian lái xe kinh doanh vận tải. Các DN xuất khẩu ngành thép, may mặc, da giày, nhựa... phản ánh việc gặp khó khăn về thông tin và thực thi, đặc biệt đối với các yêu cầu mới của các thị trường quốc tế về chuỗi cung ứng, về lao động, môi trường, quản trị DN. Nhiều hiệp hội phản ánh sự lúng túng trong thực thi các quy định mới liên quan đến giảm phát thải trong nước và quốc tế.

Đồng thời, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP.Hà Nội, phản ánh các DN nhỏ và siêu nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để tiếp tục ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, Nhà nước cần phát triển đồng bộ các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động để giúp các DN dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết các vấn đề đầu ra.

Cùng với đó cần đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa. Thực tế, DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực DN này.

Để tháo gỡ khó khăn, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị: Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của DN. Từ đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DN nhỏ và vừa, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN đang gặp khó khăn về dòng tiền, nói cụ thể là thuế và tín dụng. Lãi suất cao khiến một số DN không dám vay vốn lưu động để nhập nguyên liệu sản xuất kinh doanh, làm giảm nhu cầu đầu tư các dự án mới, vì vậy cần phải giảm lãi suất.

“Các vấn đề về lãi suất, thuế cần nhanh chóng được xử lý để giúp nền kinh tế trong nước được phục hồi, tránh tắc nghẽn. Đồng thời, cần tiếp tục các chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Để giải quyết cụ thể vướng mắc mà DN phản ánh, Ban IV cùng đại diện các Hiệp hội DN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục thuế), các bộ chuyên ngành tiến hành các hoạt động đối thoại trọng tâm với DN ngay trong quý II và/hoặc rà soát theo chuyên đề để báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành hiện gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi, hoặc chưa theo sát với xu hướng chính sách, quy định quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều diễn biến phức tạp thời kì hậu COVID... từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho DN phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-truoc-nguy-co-pha-san-vi-bat-cap-chinh-sach-1091646.html