Doanh nghiệp ứng phó với tình hình mới: Nơi hoạt động cầm chừng, nơi chủ động sản xuất
Một doanh nghiệp ở KCN Hòa Hiệp chủ động nguồn nguyên liệu để đảm bảo chuỗi sản xuất. Ảnh: NHƯ THANH
Cùng với những ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khi giá xăng, dầu tăng cao. Bên cạnh một số doanh nghiệp phải hoạt động kiểu cầm chừng, nhiều đơn vị chủ động tìm kiếm thị trường, khai thác nguồn nguyên liệu, giảm chi phí đầu vào để từng bước khôi phục sản xuất.
Loay hoay tìm cách vượt khó
Chưa kịp hồi phục vì ế khách, các doanh nghiệp vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục đối mặt với giá xăng, dầu tăng vọt. Trước tình trạng giá xăng, dầu tăng kỷ lục, nhiều doanh nghiệp vận tải loay hoay trước bài toán điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp.
Trong số các loại hình vận tải chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, vận tải khách đường bộ gặp nhiều khó khăn nhất. Nguyên nhân chính là do vắng khách. Kể cả cao điểm trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, trong khi hàng không, đường sắt phần nào hút khách trở lại thì vận tải đường bộ vẫn... ế. Một số doanh nghiệp vận tải cố gắng “tăng gia sản xuất” bằng cách nhận vận chuyển hàng hóa nhưng chẳng ăn thua trước sự lớn mạnh của các công ty vận chuyển hàng hóa chuyên biệt.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Giám đốc Chi nhánh nhà xe Phương Trang tại Phú Yên cho biết: Hiện trung bình mỗi ngày nhà xe chỉ xuất bến 2 đầu xe, còn lại phải nằm bến. Ngày nào khách nhiều, mỗi xe đạt khoảng 50% số ghế. Ít khách cộng giá xăng, dầu tăng vọt khiến doanh nghiệp liên tục bù lỗ cho mỗi chuyến xe. Chi phí tăng cao nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá cước. So với trước đây, giá vé tuyến Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh và ngược lại chỉ tăng 10.000 đồng/vé, hiện ở mức 250.000 đồng/vé.
Theo khảo sát, hầu hết doanh nghiệp vận tải khách đều muốn tăng giá nhưng lại lo lắng khách chọn phương tiện di chuyển khác nên đành chấp nhận gánh lỗ. Một số khác có điều chỉnh giá nhưng rất dè dặt và thận trọng. Đây gần như là cách duy nhất mà các doanh nghiệp vận tải lựa chọn để đối phó với tình trạng xăng tăng, khách vắng.
Ông Trần Lưu Văn, Giám đốc Hãng taxi LaDo tại Phú Yên, cho biết: Trong khi giá xăng, dầu tăng gần gấp đôi so với trước (cách đây 2 năm) thì giá cước vận chuyển mới chỉ tăng khoảng 10%. Việc phải tính tới phương án điều chỉnh giá cước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách. Cùng với việc nghiên cứu điều chỉnh giá cước, chúng tôi vẫn đang đợi các chính sách mới, các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhà nước.
Chủ động phương án kinh doanh
Song song với dịch bệnh, những tháng qua, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh đã khiến chuỗi ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu hải sản chịu tác động tiêu cực dây chuyền. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải, cho biết: Giá xăng, dầu tăng cao không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các chi phí đầu vào như bao bì, thùng, hộp đều tăng giá. Cái khó là dù chi phí đầu vào tăng nhưng giá thành sản phẩm gần như không tăng. Để đảm bảo dây chuyền sản xuất, ngoài nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp còn nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc nhập nguyên liệu sản xuất cũng như vận chuyển các đơn hàng gặp nhiều khó khăn.
Hiện tại Phú Yên, lượng nguyên liệu cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại chỗ chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu thị trường. Ngoài nguyên nhân sản lượng khai thác thì việc nuôi trồng phục vụ chế biến thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế. Tại Công ty CP Đồ hộp Tấn Phát (KCN Hòa Hiệp), hiện các đơn hàng của công ty đã kín đến hết quý II năm nay. Do nguồn nguyên liệu chế biến là cá ngừ sọc dưa không được dồi dào nên để duy trì hoạt động, công ty phải sử dụng nguyên liệu trữ đông để sơ chế.
Cũng hoạt động trong KCN Hòa Hiệp, Công ty TNHH MOSC Việt Nam có 100% vốn đầu tư từ Philipines, chuyên chế biến các mặt hàng thủy sản. Bên cạnh việc phải cơ cấu lại thời gian làm việc, công ty chủ động giảm nhập nguyên liệu từ nước ngoài mà thay vào đó khai thác nguồn nguyên liệu trong nước.
Ông Trần Phước Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MOSC Việt Nam cho biết: Hiện công ty vẫn đảm bảo có đơn hàng nhưng do ảnh hưởng dịch COVID-19 cộng với tình hình thiếu nguyên liệu chế biến sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xuất khẩu của doanh nghiệp. Nếu nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài thì giá nguyên liệu tương đối cao. Chính vì thế, ngoài nguồn nguyên liệu trong tỉnh, chúng tôi tìm kiếm nguồn nguyên liệu đánh bắt tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Trước những khó khăn của dịch bệnh cũng như giá xăng, dầu tăng cao, song song với việc kiến nghị và chờ đợi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy nội lực, chủ động liên kết, đưa ra nhiều giải pháp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình mới.