Doanh nghiệp ứng xử thế nào với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon?

Để ứng phó với những yêu cầu từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần thay đổi tư duy, áp dụng các dây chuyền sản xuất hiện đại, nhằm tạo ra những sản phẩm xanh, sinh thái.

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon là gì?

Theo Công ty CP Chứng nhận và kiểm định Vinacontrol, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một công cụ chính sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo ra mức giá công bằng đối với lượng khí thải CO2 phát sinh trong quá trình sản xuất hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Từ năm 2026, EU bắt đầu thu phí carbon thông qua hệ thống chứng chỉ CBAM.

Từ năm 2026, EU bắt đầu thu phí carbon thông qua hệ thống chứng chỉ CBAM.

CBAM được thiết kế để ngăn chặn hiện tượng các doanh nghiệp di chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có tiêu chuẩn khí thải ít nghiêm ngặt hơn nhằm tránh chi phí carbon trong EU. Cơ chế này tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có cường độ phát thải cao.

Theo quy định của EU, giai đoạn đầu CBAM sẽ áp dụng với 6 nhóm hàng hóa chính là sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện năng và hydro.

Từ năm 2026, EU bắt đầu thu phí carbon thông qua hệ thống chứng chỉ CBAM. Các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU phải mua chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng khí thải carbon của sản phẩm.

TS Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam cho biết, hiện nay, sản phẩm VLXD của Việt Nam xuất khẩu sang EU chưa phải là lớn. Nhưng áp dụng CBAM đồng nghĩa với việc giảm phát thải để ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, đây là mục tiêu chung của thế giới. Trong tương lai, có thể CBAM sẽ được áp dụng rộng rãi, không chỉ ở mỗi EU. Do đó, doanh nghiệp VLXD nước ta cũng phải có sự chuẩn bị, ứng phó với thách thức này.

Theo TS Thái Duy Sâm, chúng ta phải đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ để tạo ra những VLXD thân thiện môi trường, giảm phát thải. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ các cơ chế liên quan đến CBAM; các chính sách, quy định của Chính phủ trong việc phát triển vật liệu xanh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện việc hiệu quả việc báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo yêu cầu.

Cần đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ để tạo ra những VLXD thân thiện môi trường, giảm phát thải.

Cần đổi mới tư duy sản xuất, áp dụng công nghệ để tạo ra những VLXD thân thiện môi trường, giảm phát thải.

Ứng xử của các doanh nghiệp vật liệu

Theo đại diện Công ty CP Gỗ An Cường, những quy định mới từ các thị trường lớn như EU và Mỹ không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng điều chỉnh mô hình kinh doanh. Vì thế, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn hiện có, Gỗ An Cường còn chủ động xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển bền vững.

Gần 20 năm trước, Gỗ An Cường đã đạt được chứng nhận Green Label - một tiêu chuẩn môi trường uy tín. Trong 2 năm qua, công ty đã triển khai chương trình kiểm kê và giảm phát thải nhà kính, dù không nằm trong danh sách kiểm tra bắt buộc của Chính phủ vào năm 2025.

"Những sự chuẩn bị này không chỉ giúp Gỗ An Cường đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU và Mỹ, mà còn tạo lợi thế cạnh tranh so với nhiều doanh nghiệp khác", vị đại diện nhấn mạnh.

Theo Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam (Xi măng SCG), việc sản xuất ra các vật liệu carbon thấp là định hướng chung của công ty. Trong thời gian qua, Xi măng SCG đã áp dụng nhiều giải pháp trong các dây chuyền sản xuất VLXD, trong đó có lĩnh vực xi măng.

Giảm thuế xuất khẩu clinker xi măng xuống 5% đến hết năm 2026

Giá cát và đá xây dựng biến động mạnh trong tháng 5

Tràn lan bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép, quản cách nào?

Cụ thể, công ty sử dụng biomass (nguồn năng lượng từ mùn cưa, gõ, vỏ trấu…) thay thế than trong quá trình nung nóng clinker. Quá trình này đã thay thế hơn 30% lượng than truyền thống, góp phần đáng kể trong việc giảm phát thải khí CO2.

Bên cạnh đó, SCG cũng áp dụng công nghệ tái sử dụng nhiệt năng thải ra trong quá trình sản xuất xi măng và chuyển hóa thành hơi nước trong nồi hơi. Lượng hơi nước này được dẫn vào tuabin và hệ thống máy phát điện để tạo ra điện năng, giúp tái sử dụng năng lượng một cách hiệu quả cho hoạt động của nhà máy. Nhờ hai công nghệ trên, sản phẩm xi măng SCG carbon thấp đã giảm đến 20% lượng khí thải CO2 so với xi măng thông thường.

Đại diện Công ty CP Thép Nam Kim cho biết, CBAM được EU thí điểm áp dụng từ năm 2024 và áp dụng đầy đủ từ năm 2026. Việc xanh hóa hoạt động sản xuất không chỉ vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, mà còn mang lại tác động tích cực cho cộng đồng.

Từ đó, công ty cũng đề ra chiến lược phát triển bền vững gồm 4 trụ cột chính là củng cố, phát triển nguồn nhân lực; đồng hành với cộng đồng, xã hội; tối ưu hiệu quả kinh tế; bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Tiến Hào

Tuyết Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-ung-xu-the-nao-voi-co-che-dieu-chinh-bien-gioi-carbon-192250521113035575.htm