Doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan: Thêm cơ hội, tăng lợi ích
Doanh nghiệp khi được cơ quan hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên vốn đã được hưởng rất nhiều lợi ích trong quá trình thông quan hàng hóa. Từ rút ngắn thời gian làm thủ tục, giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa thực tế… tới nay, khi Việt Nam ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với các nước, lợi ích của doanh nghiệp sẽ được tăng lên nhiều lần.
Không chỉ được ưu tiên trong nước
Theo định nghĩa tại Khung tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh an toàn (SAFE Framwork) của Tổ chức Hải quan thế giới: “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau là việc ký kết một văn bản chính thức giữa hai hoặc nhiều cơ quan hải quan, đưa ra các nội dung, điều kiện mà theo đó, các chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) được công nhận và chấp nhận giữa các bên ký kết”. Có nghĩa là, doanh nghiệp ưu tiên được công nhận tại quốc gia này thì sẽ được công nhận và hưởng các chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan tại quốc gia có tham gia ký kết thỏa thuận và ngược lại.
Bản thỏa thuận công nhận lẫn nhau giúp cơ quan hải quan quản lý rủi ro hiệu quả hơn thông qua việc trao đổi thông tin kịp thời và chính xác, tăng cường khả năng phát hiện hàng hóa có độ rủi ro cao, quản lý chuỗi cung ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình. Ngoài ra, những thỏa thuận này giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các cơ quan hải quan và cho phép tiến hành quản lý sớm đối với dây chuyền cung ứng, ví dụ cơ quan hải quan nước nhập khẩu yêu cầu cơ quan hải quan nước xuất khẩu tiến hành kiểm tra trên danh nghĩa của họ.
Còn với doanh nghiệp, khi thỏa thuận được ký kết, các doanh nghiệp ưu tiên được đối xử như nhau giữa các nước. Phân tích rõ hơn về lợi ích, ông Nguyễn Sỹ Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đưa ra so sánh, khi hàng hóa của một doanh nghiệp được công nhận là ưu tiên, tại Việt Nam được thông quan bằng luồng xanh, thời gian chỉ mất 3 - 5 giây.
Nhưng nếu sang nước bạn - một nước không ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau thì sẽ phải thủ tục như thông thường. Điều này có thể mất nhiều thời gian để hải quan nước bạn kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, nếu khi đã lý thỏa thuận công nhận lẫn nhau rồi thì thời gian thông quan hàng hóa vào nước bạn cũng tương ứng tính bằng giây như ở Việt Nam. Đặc biệt với những ngành nghề có tính cạnh tranh thời gian như thời trang, chip bán dẫn, hay các sản phẩm yêu cầu thời gian vận chuyển nhanh như nông sản, thủy sản…
Thêm nữa, các doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp ưu tiên khi hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán hàng hóa của doanh nghiệp ưu tiên thì cũng được đối xử như doanh nghiệp ưu tiên. Đây rõ ràng là những lợi ích rất to lớn.
Cố gắng ưu tiên thông quan nhanh
Theo hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới WCO về các bước thực hiện MRA bao gồm 4 bước. Giai đoạn 1 là so sánh sự tương đồng về pháp luật giữa các nước tham gia ký kết. Giai đoạn 2 là tiến hành thẩm định thực tế tại 1 số doanh nghiệp ưu tiên ở tất cả các nước tham gia ký kết. Giai đoạn 3 đàm phán về nội dung dự thảo thỏa thuận và ký kết. Và cuối cùng là thực hiện thỏa thuận.
Đến nay, Tổng cục trường Tổng cục Hải quan Việt Nam đã ký thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 nước: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philipine, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei, Việt Nam.
Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại được cam kết trong thỏa thuận trước tiên là thông quan nhanh chóng bằng cách giảm việc kiểm tra hồ sơ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, đối với hàng hóa xuất phát từ, hoặc vận chuyển cho một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác, tùy thuộc vào việc đánh giá mức độ rủi ro an ninh.
Bên cạnh đó, ưu tiên kiểm tra cho hàng hóa xuất phát từ, hoặc vận chuyển cho một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác đã được lựa chọn để kiểm tra thực tế. Trường hợp có sự gián đoạn đối với thương mại quốc tế, cố gắng ưu tiên thông quan nhanh cho hàng hóa có nguồn gốc từ hoặc được chuyển đến một thành viên của chương trình của các bên tham gia khác...
Hải quan Việt Nam cũng đang đàm phán Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên với Hàn Quốc. Dự kiến hai bên sẽ ký và thực hiện Thỏa thuận trong năm 2024. Theo dữ liệu do Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) mới công bố cho thấy năm 2023, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc năm thứ hai liên tiếp.
Như vậy, việc ký kết Thỏa thuận này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của hai bên, không chỉ là các doanh nghiệp ưu tiên nói riêng mà cả cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với Hàn Quốc nói chung.
75 doanh nghiệp đang áp dụng
Hiện nay, cả nước có 75 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên, trong đó có 25 doanh nghiệp Việt Nam, 15 doanh nghiệp Hàn Quốc, 15 doanh nghiệp Nhật Bản, số còn lại là các doanh nghiệp như Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc, Italia, Đan Mạch. Các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên khá đa dạng từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến, chế tạo đến nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.