Doanh nghiệp và Báo chí: Cuộc chơi chủ động, sòng phẳng để cùng phát triển
Chia sẻ tại Diễn đàn Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững, luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định, mối quan hệ giữa Báo chí và Doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, trên tinh thần chủ động, sòng phẳng cùng nhau phát triển
Theo luật sư Lê Ngô Trung, trong quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường thì việc tương tác và trao đổi thông tin đóng vai trò rất lớn đến sự thành công của doanh nghiệp, nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh. Mà trong đó, phương tiện truyền thông là phương thức cực kỳ quan trọng và hữu hiệu để từ đó doanh nghiệp chia sẻ thông tin đến với thị trường.
Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0 thì sự phát triển về kỹ thuật số, và bùng nổ về phương tiện kết nối thông qua internet, không gian mạng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp, đôi khi là yếu tố quyết định và dẫn đến sự thành công hay thất bại của bất kỳ đơn vị, tổ chức hay ngành nghề nào. Điều này vừa là cơ hội để quảng bá, nhưng cũng trở thành một thách thức không nhỏ bắt buộc chúng ta phải cập nhật, đổi mới để theo kịp xu thế tất yếu của thị trường, của thời đại.
Giai đoạn phát triển này, chúng ta đang đối diện 2 mối nguy lớn:
Thứ nhất, là sự thiếu kiểm soát trên các phương tiện kỹ thuật số, các nền tảng giao tiếp xã hội dẫn đến thông tin thiếu kiểm chứng, đôi khi là sai lệch ảnh hưởng uy tín doanh nghiệp.
Thứ hai, là những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh sau những năm đại dịch covid-19 và liên quan các vấn đề tài chính, thị trường.
Hầu hết, sau mỗi cuộc khủng hoảng về thị trường, về truyền thông … thì phía doanh nghiệp cũng đã gánh chịu không ít những thiệt hại về tài chính cũng như hao tốn thời gian. Do đó, thay vì chúng ta đề ra các biện pháp ứng phó, xử lý hậu quả từ những khủng hoảng trong tình thế bị động thì theo tôi “Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, cung cấp thông tin để vừa tự bảo vệ và xây dựng hình ảnh của chính mình, vừa phòng ngừa những rủi ro không mong muốn và góp phần làm minh bạch thị trường”.
Lưu ý sự minh bạch thông tin ở đây chính là thái độ hợp tác tích cực, cởi mở về thông tin giữa doanh nghiệp và báo chí, ngay cả trong trường hợp thông tin bất lợi đối với doanh nghiệp. Từ đây sẽ tạo ra kênh đối thoại thẳng thắn, trực diện, giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thông tin đồn đại, thiếu chính xác, hoặc ít nhất có thể tạo ra các cơ hội giải quyết khủng hoảng truyền thông một cách tích cực. Sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp.
Để làm được điều này, sự chung tay hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan truyền thông (mà cụ thể là báo chí) là hết sức cần thiết, và là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất. Doanh nghiệp cần nơi chia sẻ, cung cấp thông tin hữu ích đến với thị trường, xây dựng thương hiệu; báo chí cần thông tin trung thực để truyền tải đến công chúng; đồng thời thông qua đó tự xây dựng uy tín, hình ảnh cơ quan báo chí chính thống để trở thành nguồn tham khảo, kênh thông tin chính xác, đáng tin cậy không chỉ đối với bạn đọc mà là đối với thị trường và xã hội để các bên cùng hướng đến sự phát triển bền vững.
Vì vậy, việc hợp tác, đồng hành và cùng nhau hỗ trợ giữa báo chí và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, để không chỉ là lợi ích của hai bên gọi tắt là cùng win-win, mà còn góp phần làm minh bạch thị trường, xây dựng sự phát triển phồn vinh, bền vững cho nền kinh tế và xã hội.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngoài là người bạn đồng hành, tôi tin rằng báo chí chân chính còn sẵn sàng đồng cam cộng khổ để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. Báo chí là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, khích lệ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp” - luật sư Lê Ngô Trung nói và bày tỏ tin tưởng, khi xác định được vai trò, tính độc lập trong thông tin, độc lập trong nghề, Nhà báo, cơ quan báo chí và doanh nghiệp sẽ tạo ra những “cuộc chơi sòng phẳng” cho cả đôi bên.