Doanh nghiệp vận tải hành khách: Vượt khó để tồn tại trong mùa dịch

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành vận tải hành khách là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng đầu tiên, là một trong những ngành nghề phải tạm dừng hoạt động để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách phải tìm cách thay đổi phương án hoạt động để tồn tại. Vì nếu không duy trì hoạt động thì áp lực trả nợ ngân hàng rất lớn đối với một số doanh nghiệp.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách phải tìm cách thay đổi phương án hoạt động để tồn tại. Vì nếu không duy trì hoạt động thì áp lực trả nợ ngân hàng rất lớn đối với một số doanh nghiệp.

Đại diện nhà xe Nam Phát (thành phố Tây Ninh) cho biết, nhà xe có nhiều tuyến xe chở khách đường dài từ Tây Ninh đi các tỉnh, thành với loại xe giường nằm. Để bảo đảm an toàn cho hành khách và giữ vững uy tín thương hiệu, Doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng để đầu tư thay đổi phương tiện phục vụ vận chuyển hành khách đạt chất lượng cao.

Khi hoạt động vận tải hành khách bị gián đoạn do dịch bệnh, gần như doanh nghiệp vận tải hành khách nào cũng gặp khó khăn. Để duy trì hoạt động kinh doanh, tạo daonh thu, tồn tại trong mùa dịch và chăm lo đội ngũ tài xế gắn bó lâu dài, doanh nghiệp phải chuyển hướng từ hoạt động vận tải hành khách sang vận tải hàng hóa.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho biết, dù vượt khó để tồn tại qua mùa dịch, nhưng nguồn thu từ vận tải hàng hóa không bù đắp được khó khăn khi hoạt động vận tải hành khách bị gián đoạn do dịch bệnh.

Doanh nghiệp này kiến nghị các ngành chức năng, các ngân hàng xem xét, ngoài việc giảm lãi suất cho vay, ngân hàng có thể khoanh nợ gốc mà doanh nghiệp phải trả hằng tháng trong những tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp chỉ trả tiền lãi. Khi hoạt động vận tải hành khách được hoạt động lại bình thường, doanh nghiệp sẽ thanh toán nợ đúng theo định kỳ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp vận tải hành khách là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch bệnh bùng phát. Phần lớn các doanh nghiệp vận tải hành khách các tuyến cố định đều tự vượt khó để tồn tại trong mùa dịch, các tuyến xe cố định đều thay đổi phương thức hoạt động từ vận chuyển hành khách sang dịch vụ phụ vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm để doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Việc chuyển hướng kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách sang vận tải hàng hóa chỉ là tạm thời, không bảo đảm tính ổn định và phát triển mà doanh nghiệp theo đuổi lâu nay.

Chị H, giám đốc công ty du lịch lữ hành N cho biết, không nhắc đến hoạt động du lịch vì ngành nghề du lịch đã gặp khó ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên do doanh nghiệp phải vay tiền ngân hàng để mua phương tiện phục vụ hoạt động du lịch, mỗi chiếc xe có giá 2 đến 3 tỷ đồng (loại 52 chỗ).

Mùa dịch, doanh nghiệp phải chuyển hướng để tồn tại bằng cách hợp đồng với các doanh nghiệp để đưa đón công nhân các công ty thực hiện phương án “1 cung đường 2 địa điểm” để có doanh thu.

Theo chị H, dù cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong cấp các giấy phép hoạt động, nhưng việc doanh nghiệp phải dùng xe chất lượng cao để hoạt động đưa đón công nhân tất nhiên là không có lợi nhuận. Thế nhưng nếu không hoạt động, doanh nghiệp không có doanh thu để trả nợ gốc, nợ lãi cho ngân hàng khi hoạt động chính của doanh nghiệp bị gián đoạn.

Theo chị H, hoạt động vận tải hành khách nói chung và hoạt động du lịch trong thời gian tới sẽ còn đối mặt với những khó khăn nhất định. Dù doanh nghiệp vận tải hành khách tìm cách vượt khó để tồn tại trong mùa dịch, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ thiết thực từ cơ quan chức năng như việc kiến nghị ngân hàng khoanh nợ gốc. Có như thế mới hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục vượt khó, tiếp tục hoạt động vận chuyển hành khách ổn định khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Thế Nhân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-vuot-kho-de-ton-tai-trong-mua-dich-a136705.html