Doanh nghiệp vận tải, xây dựng điêu đứng khi giá cả tăng cao

Giá nhiên liệu xăng, dầu trên thị trường thế giới và trong nước liên tục tăng cao, kéo theo giá nhiều mặt hàng cũng gia tăng. Dù nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ khó khăn với doanh nghiệp nhưng tại các địa phương miền núi, nhiều mặt hàng tiếp tục đội giá khi phải 'cõng' thêm cước phí.

Thực tế này khiến nhiều doanh nghiệp ở tỉnh biên giới Lai Châu đang phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh; một số còn đứng trước nguy cơ phá sản.

Là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách tại Lai Châu, có hơn 40 đầu xe chất lượng cao chạy các tuyến đường dài, Công ty TNHH một thành viên Ngân Hà được đánh giá có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ những ngày đầu thành lập tỉnh năm 2004 đến nay. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và giá nhiên liệu tăng đột biến thời gian qua, việc chỉ hoạt động 50% đầu phương tiện và cắt giảm nhiều chi phí, khiến thu nhập của đơn vị cũng chỉ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên tối thiểu.

Giá vật liệu tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Giá vật liệu tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Công ty chia sẻ, gần 2 năm các phương tiện ngừng hoạt động do dịch bệnh, thì doanh nghiệp cũng mất trắng chừng ấy năm khấu hao tuổi đời phương tiện. Khi được hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới thì giá nhiên liệu tăng cao, nhu cầu đi lại của người dân thì giảm mạnh, giá vé cũng không thay đổi. Vì thế, giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo các chi phí đều tăng từ 20 - 30%, nên hiện mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ gần 1 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

“Dư nợ của đơn vị đến hạn thì phải trả nhưng đơn vị không có để trả. Khấu hao xe trong 2 năm dịch bệnh vào Việt Nam đến giờ thì một số phương tiện gần như không hoạt động, nên khấu hao vô hình của xe nó trôi đi theo thời gian. Tuổi thọ xe là 20 năm, từ khi có Covid-19 đến giờ xe không hoạt động, đắp chiếu để đó thì vẫn bị tính theo tuổi đời. Một số doanh nghiệp sản xuất thì người ta có thể thi công cầm chừng, giảm sản xuất, giảm nhân công, giảm nguyên liệu đầu vào, còn các đơn vị dịch vụ thì hoàn toàn ở trên thế bị động” - ông Phạm Văn Tuấn nói.

Với việc giá xăng, dầu tăng 30 - 35%; sắt, thép tăng 30%, xi măng và vật liệu xây dựng khác tăng khoảng 20% như hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng ở Lai Châu cũng đang đứng trước nguy cơ bù lỗ nặng nếu hoàn thiện công trình đúng tiến độ. Theo ghi nhận của phóng viên, để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp thường phải sử dụng khoảng 30% vốn vay ngân hàng. Việc giá cả ở thời điểm hiện tại chênh lệch quá lớn so với thời điểm nhận thầu, nên các doanh nghiệp đang có dấu hiệu thi công cầm chừng để chờ giá vật liệu giảm. Điều này, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và tiến độ thi công các công trình trên địa bàn.

Thi công cầm chừng chờ giá nguyên vật liệu giảm bắt đầu xuất hiện ở nhiều công trình.

Thi công cầm chừng chờ giá nguyên vật liệu giảm bắt đầu xuất hiện ở nhiều công trình.

Ông Phạm Văn Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thanh Tuyền, tỉnh Lai Châu cho biết, đơn vị hiện đang thi công 10 công trình, dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng. Trong số này có 9 công trình giao thông và hầu hết là các công trình thiết yếu, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng và an ninh quốc phòng như tỉnh lộ 133, tỉnh lộ 130, đường Tà Ngảo - Lao Lử Đề, Mồ Sì San - Sì Lở Lầu và đường hành lang biên giới Thèn Sin - Sin Suối Hồ - Bát Xát (Lào Cai)... Nếu thi công ở thời điểm hiện tại, đơn vị phải bù lỗ từ 15 - 20% cho mỗi công trình khi hoàn thành.

“Vì tiến độ chủ đầu tư giao, vì uy tín của đơn vị thi công thì chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để khắc phục. Biết rằng đơn vị thi công sẽ thua lỗ nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo tiến độ. Trượt giá lớn như vậy là do nguyên nhân dịch bệnh và chiến tranh, chúng tôi cũng đề xuất nhà nước và tỉnh có chính sách hỗ trợ là chuyển sang điều chỉnh giá để các doanh nghiệp đỡ khó khăn. Cũng mong UBND tỉnh có ý kiến với ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước giảm một phần lãi suất để hỗ trợ cho đơn vị chúng tôi trong quá trình sản xuất, kinh doanh” - ông Phạm Văn Tuyền đề nghị.

Theo tính toán, các công trình thiết yếu buộc phải thi công đúng kế hoạch thì doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng từ 15-20% khi hoàn thành.

Theo tính toán, các công trình thiết yếu buộc phải thi công đúng kế hoạch thì doanh nghiệp sẽ lỗ khoảng từ 15-20% khi hoàn thành.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, địa phương có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng kí hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp có đăng ký và nộp thuế hàng năm. Với đặc thù của một tỉnh miền núi nghèo, “sự sống” của các doanh nghiệp được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương cũng đã và đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động.

Ông Phùng Văn Nam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu cho biết: “Ảnh hưởng của giá cả tăng là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng gì tỉnh Lai Châu. Chúng tôi cũng đã thực hiện trên tiến độ thi công chi tiết mà các nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư và bám với kế hoạch và tiến độ giải phóng mặt bằng. Mặc dù giá có tăng so với thời điểm dự thầu, nhưng các nhà thầu đều ý thức được đây là hợp đồng theo đơn giá cố định, không được điều chỉnh giá nên các nhà thầu vẫn phải triển khai bình thường”.

Bằng các biện pháp tăng cường quản lý, giám sát và tiết kiệm chi, các doanh nghiệp ở Lai Châu đang nỗ lực vượt khó trong thời điểm “bão giá” để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp tại địa phương, trước tình hình giá cả trên thị trường tăng mạnh như hiện nay, rất cần thêm các chính sách hỗ trợ thiết thực từ Trung ương và các cơ quan chức năng, từ đó, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và đứng vững, tiếp tục có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-van-tai-xay-dung-dieu-dung-khi-gia-ca-tang-cao-post935781.vov