Doanh nghiệp vật liệu xây dựng ngóng 1 triệu căn nhà ở xã hội

Đại diện các hiệp hội vật liệu xây dựng cùng đề nghị Chính phủ đẩy nhanh đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhằm tăng nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước.

Khó khăn bủa vây

Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đều có kết quả kinh doanh kém vào năm ngoái.

Đơn cử như Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lần đầu sau 7 năm ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng; Hòa Phát báo lãi sau thuế giảm 54% so với năm 2022; Viglacera giảm lãi 39%; Vicostone giảm lãi 26%...

Bên cạnh doanh thu xuất khẩu sụt giảm, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng trong năm trước cũng yếu. Đồng thời, giá nhiên liệu đầu vào của ngành vật liệu xây dựng tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đối với ngành xi măng, chi phí nhiên liệu than chiếm tỉ trọng đến 50% chi phí sản xuất clanhke.

Giá than trong nước tăng 3 lần trong hai năm qua, tổng cộng khoảng 40 - 45% so với thời điểm tháng 12/2021. Giá than tăng đã dẫn đến tăng chi phí sản xuất clanhke và xi măng thêm khoảng 11%.

Giá than tăng cũng làm tăng chi phí sản xuất gạch ốp lát thêm khoảng 5%.

Đối với sứ vệ sinh, nhiên liệu thường là khí hóa than, dầu FO, khí tự nhiên hóa lỏng (CNG) hoặc khí gas hóa lỏng (LPG), nhưng giá bán liên tục biến động theo thị trường thế giới. Việc giá dầu tăng đã dẫn đến tăng chi phí sản xuất sứ vệ sinh thêm khoảng 5%.

Trong năm ngoái, có 42 dây chuyền sản xuất xi măng dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, một số dây chuyền dừng cả năm (khoảng 30% công suất thiết kế).

Mức tiêu thụ các vật liệu xây dựng đều suy giảm. Đơn cử như tiêu thụ xi măng trong nước giảm 16,5%, mức giảm lớn nhất trong lịch sử.

Sản lượng gạch ốp lát liên tục giảm trong hai năm qua, lượng tiêu thụ năm ngoái chỉ bằng 85% sản lượng sản xuất.

Đối với sứ vệ sinh, theo Bộ Xây dựng, từ năm 2020 đến nay, sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều liên tục suy giảm.

Sản lượng sản xuất năm ngoái chỉ bằng 48% tổng công suất thiết kế, giảm 14% so với năm trước đó. Tiêu thụ sứ vệ sinh ở mức 11,5 triệu sản phẩm, chỉ bằng 92% sản lượng sản xuất. Cho thấy lượng tồn kho năm ngoái lên tới 8%, khoảng một triệu sản phẩm.

Kính xây dựng cũng tương tự sản phẩm sứ vệ sinh. Sản lượng tiêu thụ nội địa năm ngoái giảm 21% so với năm trước đó. Từ năm 2023 đến nay, đã có 3 dây chuyền sản xuất kính xây dựng phải dừng hoạt động sản xuất trên 6 tháng. Tồn kho lên tới 12%.

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và tiêu thụ thép năm ngoái đều giảm. Cụ thể, sản xuất thép thô ước đạt gần 19 triệu tấn, giảm 5,4%, thép thành phẩm sản xuất ước đạt hơn 27 triệu tấn, giảm 8%, và tiêu thụ thép biểu kiến ước đạt hơn 20 triệu tấn, giảm 8%.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lần đầu sau 7 năm ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Anh

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) lần đầu sau 7 năm ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Anh

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất.

Giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.

Do tiêu thụ sản phẩm rất chậm, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất, dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn.

Đáng lo ngại, nhiều nhà máy vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm xi măng không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.

Kỳ vọng vào chương trình phát triển nhà ở xã hội

Tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ vật liệu xây dựng mới đây, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị Chính phủ cần tập trung vào chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó, về quy hoạch, khi lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất thì phải có khu đô thị, trong đó phải có khu nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, ông Nga cho rằng, cần tăng cường sử dụng xi măng cho xây dựng đường giao thông, xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng, nền đất yếu như Đồng bằng sông Cửu Long để tiết kiệm đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí bảo dưỡng thấp.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp xi măng bán xi măng dưới giá thành sản xuất. Ông kiến nghị Chính phủ có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa.

Đơn cử như sớm triển khai xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn ở những nơi thích hợp, sử dụng công nghệ gia cố nền đường bằng xi măng – đất thay cho công nghệ truyền thống để nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình.

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc tăng tỷ lệ xây dựng cầu cạn, Chính phủ cũng cần đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Mỗi năm xây dựng 150 nghìn căn nhà ở xã hội sẽ giúp tiêu thụ 4 triệu tấn xi măng, 1 triệu tấn sắt thép, từ đó sẽ góp phần kích cầu các sản phẩm khác như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng, đạt được nhiều mục đích.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-vat-lieu-xay-dung-ngong-1-trieu-can-nha-o-xa-hoi-1718785551347.htm